Thể thao & Cuộc sống — April 25, 2016 at 10:01 am

3 môn phối hợp: Vừa vui, vừa kiểm nghiệm ý chí của chính mình

by
Rate this post

Vừa qua, thành phố Vũng Tàu đã tổ chức thành công cuộc thi 3 môn phối hợp – môn thi thách thức đến tột đỉnh sự dẻo dai của người chơi. Loại hình thể thao – du lịch rất phổ biến trên thế giới này vừa du nhập vào nước ta sẽ là hoạt động hấp dẫn để thanh niên Việt Nam chứng tỏ ý chí và sự bền bỉ của mình.

Vượt qua chính mình…
Có thể nói 3 môn phối hợp là bộ môn đòi hỏi sức bền, sức chịu đựng thuộc loại kinh khủng nhất trong số các môn thể thao. Trong cuộc thi mới đây tại TP Vũng Tàu, các thí sinh đã phải chạy bộ 6,5km cả đường bằng lẫn đường núi. Ngay khi vừa xuống đến chân núi, những VĐV tham gia giải đã phải lao ngay xuống làn nước lạnh buốt để thực hiện 1km bơi biển. Sau đó, lúc lên bờ, họ lập tức phải lấy xe đạp ra đua 24km vòng quanh thành phố trong điều kiện gió biển thổi rát mặt. Từng nội dung cụ thể thôi cũng đã là một thử thách rất lớn đối với một người bình thường rồi, đằng này các VĐV phải thực hiện cả 3 phần cùng lúc và phải thực hiện sao cho có thời gian ngắn nhất.

2-thi-chay-bo

Với nhiều nội dung và trong các hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt như vậy, các VĐV phải tính toán và phân phối sức thật kỹ khi tham dự. Nhìn lại cuộc thi tại Vũng Tàu, do sức bền không tốt và không phân phối sức hợp lý nên nhiều VĐV sau khi bơi lên đã bị chuột rút, phải nhảy xuống xe đạp để xoa bóp.

Cũng do không quen bơi biển nên nhiều VĐV đã bị các dòng hải lưu cuốn ra xa phao đích cả chục mét. Mai Văn Phong, sinh viên ĐH TDTT II, VĐV từng đoạt HCV giải leo núi Chứa Chan (Đồng Nai) một tuần trước khi dự giải cho biết: “Về chạy và leo núi thì em rất mạnh, nhưng quả thật khi xuống dưới nước bơi được một lúc là cơ đùi em co cứng liền do nước lạnh và cơ thể chưa thích nghi kịp”. Do “biết mình biết người”, phân phối sức hợp lý ở 2 nội dung đầu là leo núi và bơi lội, để bung sức ở chặng cuối là đạp xe nên đội đua xe đạp Domesco Đồng Tháp đã chiếm trọn 3 giải đầu cá nhân và giải nhất đồng đội. Đây chính là một trong những mục tiêu mà môn thể thao này hướng tới: Ngoài sức bền và ý chí, người chơi cũng phải biết lượng sức mình để có những tính toán phân phối thể lực thích hợp.

3-mon-phoi-hop

Hầu như tất cả VĐV tại Vũng Tàu khi về đích, dù ngồi thở dốc, xoa bóp chân hoặc phải nhờ đồng đội dìu về chỗ nghỉ, đều luôn nở nụ cười mãn nguyện khi đã vượt qua những hồ nghi ban đầu về chính sức chịu đựng của bản thân mình. Anh Nguyễn Công Hoàng (45 tuổi), làm nghề chạy xe xích lô và bốc vác ở Long An, lặn lội lên Vũng Tàu dự thi cho biết: “Ở nhà tôi thường xem thể thao trên TV và rất thích môn này. Đã tham gia là “có nhiêu chơi nhiêu”, quan trọng là để biết sức mình chịu đựng được đến cỡ nào!”.

Một loại hình thể thao – du lịch đầy hứa hẹn
Việc tổ chức thi 3 môn phối hợp có một lợi thế rất lớn là không cần tốn nhiều kinh phí để trang bị cơ sở vật chất: Nó hầu như có thể tổ chức ở bất kỳ đâu, miễn là có hồ hoặc sông, biển. Lợi thế và cũng là khó khăn lớn nhất để tổ chức thành công một giải 3 môn phối hợp chính là BTC phải làm sao tạo ra được những thử thách thật “nghiệt” để tạo thương hiệu, dấu ấn riêng cho mình. Ở Việt Nam, trước Vũng Tàu cũng đã có tỉnh Phan Thiết tổ chức thi 3 môn phối hợp, trong đó phần leo núi thay bằng chạy trên đồi cát. Tất nhiên, những địa phương khác cũng có thể thay đua xe đạp đường trường bằng xe địa hình trong rừng, vượt suối. Càng nhiều trắc trở dọc đường, càng khiến VĐV… dễ bị mệt thì cuộc thi càng thu hút và hấp dẫn. Những loại hình thể thao – du lịch như 3 môn phối hợp sẽ có tác dụng quảng bá rất lớn cho du lịch địa phương, bởi xu hướng cửa du khách quốc tế những năm gần đây cho thấy họ rất có hứng thú với những môn thể thao mạo hiểm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm từ ngành du lịch, mỗi địa phương có ý định tổ chức 3 môn phối hợp cần phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch và các công ty lữ hành trong – ngoài nước để sớm quảng bá thành các tour hấp dẫn du khách nước ngoài đến với Việt Nam.

Khi tuyển VĐV tại cuộc thi vừa qua tại Vũng Tàu, có không ít CLB thường xuyên chơi những trò mạo hiểm, khám phá như đi rừng, leo núi, trekking… Alexander, VĐV nước ngoài duy nhất tham dự giải, cho biết: “Du khách nước ngoài rất thích những cuộc thi như thế này. Như các bạn thấy, bạn bè tôi đến rất đông để ủng hộ vì họ thấy tự hào rằng có tôi tham dự cuộc thi này”. Và do là V.I.P nên bên cạnh VĐV người Nga này luôn có một đội quân hùng hậu để cổ vũ hết sức nhiệt tình cho anh.

Nước ta có bãi biển dài hàng ngàn kilômét, địa hình núi, đồi, sông, rừng… cực kỳ phong phú và đây là những lợi thế rất lớn để chúng ta phát triển mạnh môn thể thao phối hợp này nhằm tạo điều kiện đưa thể thao và du lịch phát triển mạnh hơn nữa trong một mối quan hệ tương hỗ khăng khít.

Leave a Comment

Your email address will not be published.