Bình luận bóng đá — April 25, 2016 at 8:35 am

Đấy là vấn đề xã hội! Dạo qua các hội CĐV trên thế giới

by
Rate this post

“Hội cổ động viên chính thức của Manchester United”? Xin thưa, không hề có khái niệm ấy. Ngược lại, chỉ có một hội rất nổi tiếng, gọi là IMUSA (Independent Manchester United Supporters’ Association – tức Hội cổ động viên Manchester United độc lập). Ngay từ tên gọi của nó, chúng ta đã thấy rõ quy luật: trong bóng đá đỉnh cao, hội CĐV và CLB bóng đá mà chính hội ấy cổ vũ, phải hoàn toàn độc lập với nhau.

truyen-cuoi-the-thao

Độc lập với CLB thì tiếng nói của hội CĐV mới khách quan, mới có ý nghĩa. Ai thích thì vào, không vụ lợi. Cho nên, chẳng hề có chuyện tranh giành quyền lực (có đâu mà giành), chỉ trích lẫn nhau (không thích thì gia nhập hội làm gì, để mà chỉ trích)? Các hội CĐV bùng nổ trong bóng đá thế giới vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, chủ yếu là để những người có chung một niềm đam mê giúp nhau theo chân đội bóng để cổ vũ một cách dễ dàng (hồi ấy, thời gian và chi phí di chuyển là vấn đề lớn đối với các CĐV). Nay thì thuận lợi lắm rồi. Theo ước tính, các CLB lớn ở châu Âu hiện đều có khoảng vài ngàn CLB CĐV, tồn tại độc lập với nhau cũng như với đội bóng. Số thành viên trong mỗi CLB là khoảng vài trăm đến vài ngàn người. Họ có thẻ hội viên, đóng tiền định kỳ (bao nhiêu thì tùy quy mô mỗi CLB) và nhận lại áo, mũ, khăn khoàng, phù hiệu…

Có một hình thức khác để các CĐV gắn bó với CLB, đó là trở thành hội viên chính thức của CLB (chứ không phải hội viên của hội CĐV). Barcelona hoặc Real Madrid đều có khoảng 120.000 hội viên có thẻ. Họ cũng đóng tiền định kỳ. Một trong những quyền lợi đáng chú ý nhất là họ được ưu tiên mua vé nguyên mùa, do là hội viên của CLB. Ở Đức, thủ tướng Angela Merkel là hội viên danh dự của CLB Energie Cottbus. Hội viên có thẻ của CLB được quyền bầu cử chủ tịch CLB, như cuộc bầu cử sắp tới của Real Madrid. Tất nhiên, mô hình này chỉ tồn tại ở các CLB thuộc sở hữu của cộng đồng. Các CLB nổi tiếng ở Anh là tài sản riêng của các cá nhân nên… chẳng bầu bán gì sất.

Có những nhóm hoặc CLB CĐV đáng bị xem là cái gai đối với chính CLB mà họ cổ vũ. Đội Dinamo Zagreb ở Croatia có có nhóm BBB (Bad Boys Blue) cực kỳ hung hãn, thường là đầu mối của những vụ bạo loạn ở sân bóng. Red Star Belgrade của Serbia thì có nhóm hooligan khét tiếng Ultra Bad Boys. AC Milan ở Italia có nhóm Fossa dei Leoni… Nhắc đến Italia thì ai cũng biết: các nhóm CĐV cực đoan, gọi là ultras, thường cát cứ ở “lãnh địa” riêng của họ trên khán đài, cảnh sát cũng phải dè chừng chứ chưa nói đến các tifosi hiền lành. Chuyện đổ máu, thiệt mạng, vẫn thường xảy ra trong mỗi mùa bóng ở Calcio. Nói rằng các CLB nổi tiếng như AC Milan hoặc Inter Milan chỉ trích các nhóm ultras ấy thì quá thừa thãi. Ai cũng biết rõ: các nhóm ultras không thuộc CLB nào, cũng chẳng có mối liên hệ nào với CLB nào, dù nhóm ultras nào cổ vũ CLB nào thì rất rõ ràng. Tất nhiên, làm gì để “giáo huấn” nhóm Fossa dei Leoni, để các thành viên Fossa dei Leoni cổ vũ và cư xử một cách có văn hóa, đấy không phải là chuyện của AC Milan, cũng chẳng phải là chuyện của Serie A! Đấy là vấn đề xã hội thôi.

Leave a Comment

Your email address will not be published.