Các môn võ khác — May 29, 2016 at 1:36 pm

Thể lực cần có trong môn võ Taekwondo

by
5/5 - (1 vote)

Taekwondo là môn võ đòi hỏi cao một cách toàn diện các TCTL: Sức nhanh, sức mạnh, sức bền, mềm dẻo và khéo léo (Khả năng phối hợp vận động). Dựa trên cơ sở sinh lý, lý luận và phương pháp HLTL, chúng tôi đi sâu phân tích đặc điểm, sự ổn định và khả năng thích ứng của từng TCTL đối với việc tập luyện và thi đấu Taekwondo.

1. Tố chất sức mạnh:

Sức mạnh là khả năng khắc phục lực đối kháng bên ngoài hoặc đề kháng lại nó bằng sự nổ lực của cơ bắp. Cơ bắp có thể sinh ra lực trong những trường hơp như không thay đổi độ dài cơ (chế độ tĩnh); Giảm độ dài cơ (Chế độ khắc phục); Tăng độ dài của cơ (Chế độ nhượng bộ). Chế độ khắc phục và chế độ nhượng bộ sẽ tạo hợp thành chế độ động lực. Trong các chế độ hoạt động như vậy, cơ bắp sản sinh ra các lực cơ học có trị số khác nhau cho nên có thể coi chế độ hoạt động của cơ là cơ sở phân biệt các sức mạnh cơ bản. Trị số lực sinh ra trong các động tác chậm hầu như không khác biệt với các trị số lực phát huy trong điều kiện đẳng trường; Trong chế độ nhượng bộ, khả năng sinh lực của cơ bắp là lớn nhất, đôi khi gấp 2 lần lực phát huy trong điều kiện tĩnh; trong các động tác nhanh, trị số lực giảm dần theo chiều tăng tốc độ; Khả năng sinh lực trong các động tác nhanh tuyệt đối và khả năng sinh lực trong các động tác tĩnh tuyệt đối không có mỗi tương quan với nhau.

Phân loại sức mạnh: Gồm có sức mạnh đơn thuần (khả năng sinh lực trong các động tác chậm hoặc tĩnh); sức mạnh tốc độ (khẳ năng sinh lực trong các động tác nhanh). Ngoài ra cũng còn một khái niệm thường gặp là sức mạnh bột phát, đó là khả năng con người phát huy một lực lớn nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất [ 15].

Trong môn võ Taekwondo, sức mạnh luôn có mối quan hệ với kỹ thuật và các TCTL khác như sức nhanh, sức bền và tố chất mềm dẻo. Do đó năng lực sức mạnh rất có ý nghĩa trong việc học tập và hoàn thiện kỹ thuật, đồng thời sức mạnh bột phát đóng vai trò quyết định đến thành tích thi đấu của VĐV. Sức mạnh của VĐV Taekwondo được thể hiện tiêu biểu ở kỹ thuật đòn chân, đặc biệt là khă năng phát lực ở thời điểm tiếp xúc mục tiêu.

Với nội dung thi đấu đối kháng, VĐV cần phải phát huy được sức mạnh bột phát để ra đòn chớp nhoáng trong khoảnh khắc. Nhằm tấn công vào các mục tiêu trên cơ thể của đối phương, khiến đối phương không kịp trở tay và nhanh chóng ra đòn quyết định mang đầy uy lực để loại đối thủ ra khỏi cuộc chơi càng sớm càng tốt.

Với nội dung thi đấu quyền, sức mạnh được thể hiện ở các đòn thế. Người tập trong lúc đi quyền phải hình dung như đang thi đấu với nhiều đối thủ vô hình (đối thủ trong tưởng tượng). Và sức mạnh được thể hiện ở các yếu tố như biên độ động tác và độ dừng của kỹ thuật tức khả năng khống chế đột ngột động tác trong lúc nó đang chuyển động  với tốc độ cao ở giai đoạn kết thúc động tác. Yếu tố này sẽ giúp cho đòn đá có được biên độ động tác cực đại từ đó có thể phát huy được uy lực tối đa của đòn đá, qua đó góp phần thể hiện được ý nghĩa và bài quyền trở nên có hồn.

i287104489241829148._szw565h2600_

2. Tố chất sức nhanh:

Sức nhanh là khả năng thực hiện động tác trong khoảng thời gian ngắn nhất. Là tổ hợp thuộc tính chức năng của con người, quy định chủ yếu và trực tiếp tốc độ động tác cũng như thời gian phản ứng vận động [14],[15].

Sức nhanh có 3 hình thức thể hiện chủ yếu:

+ Thời gian tiềm phục của phản ứng vận động.

+ Tốc độ động tác đơn (Với lực đối kháng bên ngoài nhỏ).

+ Tần số động tác.

Các hình thức biểu hiện của sức nhanh tương đối độc lập với nhau. Đặc biệt những chỉ số về thời gian phản ứng vận động hầu như không tương quan với tốc độ động tác. Những hình thức trên thể hiện năng lực tốc độ khác nhau, có  thể trong phản ứng thì vô cùng mau lẹ nhưng trái lại trong động tác thì tương đối chậm hoặc ngược lại. Nhìn chung năng lực tốc độ của con người mang tính chất đặc thù. Chuyển sức nhanh trực tiếp chỉ xảy ra đối với các động tác có cấu trúc giống nhau. Những động tác thực hiện với thời gian tối đa khác hẳn với những động tác chậm về đặc điểm sinh lý. Sự khác biệt cơ bản thể hiện ở chỗ khi thực hiện với tốc độ tối đa thì khả năng điều chỉnh bằng cảm giác trong tiến trình thực hiện động tác gặp khó khăn. Do đó với tốc độ cao khó có thể thực hiện động tác thật chính xác.

Theo quan điểm sinh hóa, sức nhanh phụ thuộc vào hàm lượng ATP trong cơ và tốc độ phân giải ATP dưới ảnh hưởng của xung động thần kinh cũng như vào tốc độ tái tổng hợp nó. Vì các bài tập tốc độ diễn ra trong thời gian rất ngắn, nên quá trình tổng hợp ATP hầu như được thực hiện theo cơ chế yếm khí. Do vây các bài tập tốc độ tạo nợ dưỡng rất lớn và thời gian trả nợ có thể kéo dài hàng chục phút.

Phát triển sức nhanh với những phản ứng vận động đơn giản: Phản ứng vận động đơn giản là sự đáp lại tín hiệu biết trước những xuất hiện đột ngột bằng những động tác định trước

Tập luyện tốc độ có tác dụng nâng cao sức nhanh phản ứng đơn giản. Nhưng không có hiện tượng chuyển theo chiều ngược lại. Các bài tập về phản ứng vận động không có giá trị nâng cao tốc độ động tác. Trong thực tế không nhất thiết phải tác động chuyên môn để phát triển sức nhanh phản ứng vận động. Bởi vì sức nhanh phản ứng đã được phát triển nhờ tập luyện các bài tập tốc độ. Phương pháp rèn luyện sức nhanh phản ứng vận động đơn giản phổ biến nhất là tập lặp lại phản ứng với những tín hiệu đột ngột. Thí dụ người tập đứng quay lưng lại với mục tiêu, khi nghe tín hiệu thì lập tức quay lại và đá vào mục tiêu với đòn đã chỉ định.

Phát triển sức nhanh với những phản ứng vận động phức tạp: Phản ứng vân động phức tạp trong môn võ Taekwondo gồm 2 loại: Phản ứng vận động với vật thể di động và phản ứng lứa chọn thí dụ người tập phải có phản ứng khi đối phương di chuyển và né tránh hoặc có phản ứng lựa chọn xem tấn công vào phần nào trên cơ thể của đối phương.

Yêu cầu tập luyện được gia tăng thông qua tăng tốc độ vật thể, tăng tính bất ngờ và rút ngắn cự ly. Tốc độ tối đa mà con người có thể phát huy trong động tác nào đó không chỉ phụ thuộc vào nhiều nhân tố khác như sức mạnh động lực, độ linh hoạt khớp, mức độ hoàn thiện kỹ thuật. Vì vậy, có thể tách biệt 2 xu hướng trong việc phát triển tốc độ: Nâng cao tần số động tác và hoàn thiện các nhân tố ảnh hưởng tới tốc độ tối đa.

Trong tập luyện và thi đấu Taekwondo, sức nhanh có vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến thành tích thi đấu của VĐV. Với việc ưu tiên sử dụng đòn chân trong thi đấu đối kháng, đòi hỏi các VĐV Taekwondo phải có một trình độ điêu luyện về kỹ thuật và khả năng phản ứng nhanh nhạy để kịp thời xử lý với các tình huống nảy sinh, cộng với một khả năng ra đòn chớp nhoáng, linh động về mục tiêu từ đó mới có thể ra đòn đúng thời điểm đối phương bị sơ hở. Mặt khác các VĐV cần phải có khả năng tấn công liên hoàn với tốc độ tối đa nhằm khiến cho đối phương không kịp trở tay. Đối với nội dung quyền thì đòi hỏi VĐV phải thực các động tác kỹ thuật với tốc độ tối đa, cộng với sự uyển chuyển, nhịp nhàng và dứt khoát trong từng kỹ thuật  thì mới đem lại hiệu quả cao trong thi đấu.

>>>>> Giải mã cú đá trong môn võ Taekwondo

3. Tố chất sức bền:

Sức bền là khả năng chống lại mệt mỏi trong thực hiện một hoạt động vận động với cường độ cho trước, hay là khả năng duy trì hiệu quả vận động trong thời gian dài nhất [14].

Trong quá trình tập luyện và thi đấu Taekwondo, VĐV phải duy trì sự ổn định hiệu quả thực hiện các kỹ thuật đòn chân một cách tối đa, thông qua sự nổ lực ý chí quyết tâm giành thành tích cao nhất trong thi đấu.

Với nội dung thi đấu đối kháng, theo điều luật thi đấu mới nhất của Liên đoàn Taekwondo thế giới ban hành thì các trận đấu sẽ diễn ra với 3 hiệp đấu trong một trận, với mỗi hiệp là 2 phút và nghỉ giữa hiệp là 1 phút. Sàn đấu có diện tích 8 x 8 m nhỏ hơn sàn thi đấu trước đây là 10 x 10m. Cộng với điều luật 10 giây (nếu trong vòng 10 giây mà không có VĐV nào ra đòn thì sẽ bị phạt). Do vậy, đòi hỏi các VĐV phải liên tục thực hiện các hoạt động ra đòn tấn công, phản công, di chuyển, né tránh, gạt đỡ hóa giải đòn của đối phương, cộng với sự căng thẳng về mặt tâm lý do tính chất đối kháng trực tiếp của Taekwondo. Đòi hỏi các VĐV không những phải có nền tảng sức bền chung tốt mà còn phải có sức bền chuyên môn cao thì  mới có thể đáp ứng được những yêu cầu khắc nghiệt của hoạt động thi đấu.

Với nội dung thi đấu quyền, Taekwondo đòi hỏi mỗi bài quyền phải thể hiện được ý nghĩa và hình thức thực hiện khác nhau. Từng kỹ thuật căn bản trong bài quyền có đặc thù và ý nghĩa riêng. Sự khác nhau trong cách thực hiện là ở tốc độ và cách sử dụng lực cho mỗi kỹ thuật của các bài quyền. Đặc điểm của luật thi quyền mới nhất được liên đoàn Taekwondo thế giới ban hành năm 2006. Theo đó mối VĐV phải thực hiện tổng cộng 4 bài quyền khác nhau ở cả vòng loại và vòng chung kết. Trong mỗi bài quyền các kỹ thuật căn bản được thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần và phải thực hiện với chuổi động tác liên hoàn nhưng phải dứt khoát và có điểm dừng. Đồng thời đòi hỏi với độ chính xác cao và dùng sức hợp lý, do đó yêu cầu VĐV phải được chuẩn bị tốt sức bền chung và sức bền chuyên môn để có thể duy trì ổn định chất lượng và hiệu quả thực hiện kỹ thuật trong suốt thời gian thi đấu. Ngoài ra, phải có khả năng hồi phục nhanh để  có thể thực hiện tốt các trận đấu hoặc các bài quyền tiếp theo.

4. Tố chất mềm dẻo:

Mềm dẻo là khả năng thực hiện động tác với biên độ lớn. Biên độ của động tác là thước đo của năng lực mềm dẻo

Mềm dẻo là tiền đề quan trọng để đạt được yêu cầu về số lượng và chất lượng động tác. Nếu năng lực mềm dẻo không được phát triển đầy đủ sẽ dẫn đén những hạn chế và khó khăn trong quá trình phát triển năng lực thể thao, thậm chí có thể dẫn đến chấn thương.

Biểu tượng và là đặc trưng của môn võ Taekwondo là các đòn đá ở mục tiêu thượng đẳng, được thực hiện với một biên độ động tác lớn, nhờ sự nổ lực của các khớp háng, hông và khớp gối. Do đó mềm dẻo là tố chất bắt buộc phải yêu cầu cao đối với người tập Taekwondo. Ngay từ những buổi tập đầu tiên người tập đã được trang bị các bài tập về căng ép, mềm dẻo như: Ép hông, háng, gối, cổ chân, xoạc ngang, xoạc dọc v.v…Đặc thù của Taekwondo là sự uyển chuyển trong phối hợp động tác kỹ thuật, đặc biệt ưu tiên sử dụng đòn chân trong thi đấu đối kháng, do đó đòi hỏi VĐV phải có độ dẻo tốt thì mới có thể khai thác được các mục tiêu trên cơ thể của đối phương, đặc biệt là mục tiêu thượng đẳng. Với việc sử dụng những kỹ thuật khó, có biên độ lớn nhưng lại mang tính bất ngờ thường hay mang lại hiệu quả rất lớn cho người sử dụng. Thí dụ như các kỹ thuật đá quay sau móc gót, nhảy đá tống sau, xoay người 3600 đá vòng cầu… đây là các kỹ thuật đòi hỏi độ dẻo cao ở khớp hông háng (xương chậu), gối… thì mới có thể phát huy được sức nhanh, mạnh và biên độ của đòn đá (độ dài của đòn). Vì vậy, để có thể triển khai nhanh chóng và hiệu quả các đòn thế thì bên cạnh các tố chất sức nhanh, mạnh, sức bền tố chất mềm dẻo đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Tố chất mềm dẻo giúp cho các VĐV Taekwondo thực hiện các đòn đá với biên độ lớn dễ dàng hơn, nhanh hơn, mạnh hơn và chuẩn xác hơn.

Trước đây với sự nhận thức sai lầm về tập luyện quyền Taekwondo chủ yếu dùng các đòn thế dùng lực mạnh “cương” là chính. Nhận thức đó đã dẫn đến việc lạm dụng những bài tập sức mạnh và phương pháp tập luyện quyền trở nên cứng nhắc. Kết quả là VĐV thực hiện bài quyền thiếu tính linh hoạt, giật cục, mất tính nghệ thuật. Với quan điểm hiện đại thi quan điểm trên đã được loại bỏ. Các động tác được thực hiện với biên độ lớn (ở các đòn đá), khả năng dùng lực hợp lý với từng đòn thế được kết hợp các bộ phận cơ thể. Sự uyển chuyển, mềm dẻo từ hông và cách lấy lực từ chân (phản lực từ thảm tập) sẽ giúp người tập thực hiện đòn đá với lực tối đa mà không bị gồng cứng. “Nhu-cương” kết hợp hài hòa tạo nên tính hiệu quả của đòn thế (tấn công hay gạt – đỡ). Và qua đó giúp người xem có cảm nhận như mình đang nhìn một trận đấu thực thụ giữa VĐV với nhiều đối thủ vô hình khác được xây dựng trong bài quyền. Từ đó cho ta thấy được sự uyển chuyển, vẽ đẹp và cái hồn của từng bài quyền.

5.  Năng lực PHVĐ:

Theo tác giả D.Harre (1996), năng lực PHVĐ là một phức hợp các tiền đề của VĐV (cần thiết ít hoặc nhiều) để thực hiện thắng lợi một nhiệm vụ vận động thể thao nhất định. Năng lực này được xác định trước hết ở khả năng điều khiển động tác (xử lý thông tin) và được VĐV hình thành và phát triển trong tập luyện. Năng lực PHVĐ có quan hệ chặt chẽ với các phẩm chất tâm lý và các năng lực khác: Sức mạnh, sức nhanh, sức bền và mềm dẻo [17].

Một VĐV có trình độ cao về khả năng PHVĐ (bên cạnh vốn kỹ xảo phong phú) có thể lĩnh hội và nắm vững những bài tập vô cùng phức tạp, cho phép lĩnh hội hợp lý hơn việc hoàn thiện các kỹ thuật thể thao và các bài tập thể chất. Taekwondo đòi hỏi các VĐV phải phát triển tốt tố chất PHVĐ để có thể học và hoàn thiện nhanh chóng các kỹ thuật đòn chân.

Trong hoạt động thi đấu đối kháng, đòi hỏi các VĐV chủ yếu phải sử dụng kỹ thuật đòn chân để xử lý, ứng phó với tất cả các tình huống xảy ra. Tuy nhiên để mang lại hiệu quả thì VĐV phải có khả năng điều chỉnh khoảng cách  và cách thức ra đòn để đòn đá không bị thừa hoặc thiếu mà phải tiếp xúc mục tiêu bằng phần dưới mắt cá chân (mu bàn chân, cạnh, lòng và gót chân). Đồng thời phải ra đòn đúng thời điểm, nghĩa là lúc cần nhanh thì phải thật chớp nhoáng nhưng có lúc phải chậm một chút thì mới đúng thời điểm đối phương bị hở đòn. Hay trong các tình huống tấn công đối phương theo sê ri đòn thì phải lựa chọn đòn thế cho phù hợp với tình thế và khả năng điều chỉnh hông sao cho đòn đá có thể đủ dài chứ không phải thừa hoặc thiếu khi tiếp xúc mục tiêu. Và chính những yếu tố đó là khả năng PHVĐ mà VĐV Taekwondo cần phải có. Tất cả những khả năng đó của VĐV phải được rèn luyện và phát triển trong quá trình đào tạo. Quá trình này phải được tập luyện thường xuyên thì mới nâng cao được năng lực xử lý thông tin của người tập.

Ta có thể so sánh với hình ảnh một cối xay gió khi tiếp nhận một làn gió rất nhẹ. Bài trên nói về Thể lực cần có trong môn võ Taekwondo, hy vọng bài viết này hữu ích đến với bạn. Chúc bạn thành công!

Theo vietnamthethao

Leave a Comment

Your email address will not be published.