Cờ vây — May 16, 2016 at 9:12 am

Cách tính giá trị của nước cờ thu quan

by
Rate this post

Trong trận đấu cờ vây sẽ diễn ra trong 3 giai đoạn: Khai cuộc, Trung bàn, và Thu quan (hay còn gọi là Quan tử). Nếu ở hai giai đoạn đầu, có rất nhiều cách chơi cho chúng ta lựa chọn tùy vào phong cách hoặc ý thích, thì giai đoạn thu quan đòi hỏi sự chính xác gần như tuyệt đối về thứ tự nước đi. Dưới đây là bài Cách tính giá trị của nước cờ thu quan bạn có thể tham khảo qua.

Tiên thủ và hậu thủ

Tiên thủ là nước đi mà khi ta chơi ở một khu vực, đối phương buộc phải phòng thủ và ta vẫn nắm quyền đi quân trước tại một khu vực khác trên bàn cờ. Nước đi hậu thủ thì ngược lại, làm ta mất lượt.

Ở hai ví dụ ở phía dưới. Trắng A là nước tiên thủ vì Đen buộc phải chặn tại B để tạo sống cho cả đám quân. Trắng C là nước hậu thủ vì sau khi Trắng ăn 3 quân đen, Đen không bị đe dọa gì thêm.

thu-quan-1

Hai khái niệm này được áp dụng xuyên suốt một trận cờ vây. Nó lại đặc biệt quan trọng ở giai đoạn thu quan. Tuy thế, nó đôi khi chỉ là tương đối, không nước đi nào hoàn toàn là tiên thủ nếu như đối thủ không chịu bảo vệ khu vực bị đe dọa mà giành quyền chủ động để đi nơi khác. (Đen có thể không cần tạo sống ở B nếu Trắng đi A ở hình trên).

Ở bài viết này chúng ta cần chấp nhận một nước nào đó là tiên thủ vì đa phần nó là tiên thủ trong những trận đấu thực. Để có thể ráp công thức vào mà tính toán.

Cách tính giá trị nước thu quan

Để tính giá trị của một nước đi, ta chia các hình cờ cụ thể ra 3 trường hợp: Hai bên hậu thủ, một bên tiên thủ, và hai bên tiên thủ.

Trường hợp 1: Hai bên hậu thủ

Hình dưới: Đen và Trắng nếu đi thu quan ở phần biên thì sẽ hậu thủ sau khi nối về ở 3. Đối phương sẽ cầm quân đi nước 4 ở khu vực khác.

Thu-quan-2

Giá trị của nước này là hậu thủ 2 mục. Tại sao 2 mục? Vì nếu Đen đi, Đen có 1 mục ở D1 và Trắng mất 1 mục ở G1 và ngược lại.

Trường hợp 2: Một bên tiên thủ

Hình dưới: Nếu Đen đi trước, Đen bẻ ở 1, Trắng 2, Đen nối về ở 3. Trắng có thể đi nơi khác. Nếu Trắng đi trước, sau Trước nối ở 3, Đen phải phòng thủ điểm yếu ở A với 4. Trắng được quyền đi nơi khác. Như vậy, chỉ có Trắng là có thể thu quan tiên thủ trong hình cờ này.

thu-quan-3

Giá trị của nước thu quan Trắng 1 ở hình trên là 3 mục tiên thủ. Đen 1 là nước chống tiên thủ 3 mục. (Đen giữ 2 mục và phá Trắng 1 mục).

Giá trị của nước tiên (hoặc chống tiên) 3 mục này tương đương với một nước hậu thủ 6 mục. Nghĩa là về mặt lý thuyết, giá trị của một nước tiên (hoặc chống tiên) gấp đôi giá trị của một nước thu quan hậu thủ.

Trường hợp 3: Cả hai bên tiên thủ

Hình dưới: Cả hai bên đều có tiên thủ khi thu quan ở hình cờ này. Trắng 4 và Đen 4 ở hai hình phía sau là bắt buộc phải chơi để bảo vệ điểm gãy trong hình cờ của mình.

Thu-quan-4

Giá trị của Đen 1 và Trắng 1 trong hình phía trên là 4 mục tiên thủ đôi. (Mỗi bên phá đối phương 2 mục).

Nước tiên thủ đôi 4 mục này có giá trị tương đương với 16 mục hậu thủ. Theo lý thuyết, một nước tiên thủ đôi có giá trị gấp 4 lần nước hậu thủ.

Một số ví dụ

Dưới đây, chúng ta sẽ cùng thực hành tính toán với vài hình cờ phức tạp hơn một chút.

Ví dụ 1:

Hình 1: Trắng A có giá trị là 6 mục hậu thủ. Trắng sẽ có thêm 3 mục và Đen mất 3 mục.

thu-quan-5
Hình 1

Hình 2: Thoạt nhìn Hình 2 giống hệt Hình 1, tuy thế,  Trắng A lúc này có giá trị 7 mục tiên thủ. (Nếu Đen không thủ ở B, trắng sẽ ăn quân tại B và toàn bộ đám đen bị tiêu diệt. Tương tự, Đen nối tại A là 7 mục chống tiên thủ.

thu-quan-6
Hình 2

Ví dụ 2:

Hình 3: Trắng hoặc Đen A có giá trị bao nhiêu?

Nếu Đen đi, Đen cứu được 3 quân và ăn được 2 quân trắng, tổng cộng có giá trị là 10 mục. Tuy nhiên, sau đó, Trắng phải tạo sống tại K1, Đen A là tiên thủ. Nếu Trắng đi, Trắng cũng tương tự lấy 10 đất và buộc Đen tạo sống với A4, Trắng A cũng là tiên thủ.

thu-quan-7
Hình 3

Như vậy, nước A, dù Trắng hay Đen đi, có giá trị là 10 mục tiên thủ đôi. Và như vậy có giá trị “quy đổi” là 40 mục hậu thủ. Một con số rất đáng ngạc nhiên. (Tạm không tính 1 mục lặt vặt sau khi Đen A4 hay Trắng K1)

Ví dụ 3:

Một hình cờ cổ điển khi thu quan đó là hình nhảy khỉ (monkey jump). Như hình bên dưới.

Hình 4: Trắng A là nước nhảy khỉ thu quan tiên thủ, Đen B là nước đi chống tiên thủ. Vậy nó có giá trị chính xác là bao nhiêu?

thu-quan-8
Hình 4

Hình 5: Giả sử Đen đi trước, chúng ta tạm đếm (chỉ đếm đến hàng 3) là Đen có 14 mục và Trắng có 8 mục. F1 và G1 không được tính đất.

thu-quan-9
Hình 5

Hình 6: Trắng 1 nhảy khỉ là cách thu quan chính xác, Đen ví dụ có thể trả lời từ 2 đến 8. Lúc này Đen có 8 mục và Trắng có 9 mục. So với số lượng đất đã đếm ở Hình 5, Trắng thu lợi hơn 7 mục.

Như vậy, Trắng 1 ở Hình 6 là tiên thủ 7 mục. Đen 1 ở Hình 5 là chống tiên thủ 7 mục.

thu-quan-10
Hình 6
Công thức là gì?

Đến đây, một số bạn sẽ dừng lại và bảo tôi. Số 7 ấy lôi từ đâu ra? Đó là cách tính theo kinh nghiệm thôi. Nếu các bạn muốn công thức chính xác, tôi xin chia sẻ một công thức thế này: Hiệu của Hiệu.Bước 1: Xếp ra 2 trường hợp (Đen đi trước và Trắng đi trước).

Bước 2: Khoanh vùng một khu đất giới hạn (nằm trong vùng ảnh hưởng của nước thu quan). Đếm số lượng đất mà Đen và Trắng có được ở cả hai trường hợp. Đặt tên cho chúng là D1, T1, D2, T2.

Bước 3: Công thức: |(D1 – T1) – (D2 – T2)|. That’s it.

Hai dấu gạch hai bên là dấu trị tuyệt đối. Nghĩa là chúng ta sẽ vứt dấu trừ đi nếu phép tính ra số âm.

Ở ví dụ phía trên, chúng ta có: |(14 – 8 ) – (8 – 9)| = 7. Bing!

Ngoài môn cờ ra, còn những môn cờ khác để bạn cũng có thể chơi mà học như cờ vua, cờ tướng… để thấy được sự thay đổi các cách chơi đối với từng loại cờ. Dưới đây là Cách tính giá trị của nước cờ thu quan, hy vọng bài viết cung cấp đủ kiến thức cho bạn.

Theo blogcovay

Leave a Comment

Your email address will not be published.