Người lao động Pháp nổi giận với các cải cách trong luật lao động của dự luật El Khomri, đặt theo tên Bộ trưởng lao động Myriam El Khomri. Chính phủ của Đảng Xã hội và giới chủ nói dự luật sẽ giúp cho các quy định về lao động linh hoạt hơn, bao gồm việc cho phép các công ty thương lượng về mức trần 35 giờ làm việc tối đa mỗi tuần hiện nay và có quyền giảm bớt nghĩa vụ bồi thường nếu phải sa thải nhân công trong bối cảnh khó khăn về tài chính.
Đình công: Một truyền thống Pháp?
Chính quyền hy vọng dự luật mới sẽ khiến các công ty thoải mái hơn trong việc tuyển dụng, và như thế giúp làm giảm tỉ lệ thất nghiệp hiện đang lên tới 10% ở Pháp. Nhưng người lao động phản đối luật này, cho rằng nó khiến công ăn việc làm của họ dễ bị tổn thương và làm xói mòn những nỗ lực bảo vệ người lao động trước đó.
Các công đoàn lao động đã vận động thành viên của họ lãn công, đình công và xuống đường tuần hành, khiến nhiều trạm xăng, bến cảng và nhà máy điện phải ngừng hoạt động. 16/19 nhà máy điện hạt nhân của Pháp bị ảnh hưởng vì cuộc đình công, dù cho tới giờ vẫn chưa có vụ cắt điện đột ngột nào. Cũng đã xuất hiện lo ngại về tình trạng khan hiếm xăng dầu, nhưng chính phủ đã viện tới nguồn dự trữ quốc gia, mà trên lý thuyết có thể kéo dài 3 tháng. Những hàng người dài đã xuất hiện trước các trạm xăng tuần qua, chủ yếu do tâm lý lo lắng trong người dân. Một số dịch vụ tàu lửa cũng đã bị hủy, nhưng hậu quả đình công chưa thực sự nghiêm trọng.
Sử gia người Pháp Stéphane Sirot nói đình công là một hoạt động đã “ăn vào máu” người lao động Pháp. “Đó là truyền thống ở đây”, Sirot nói. “Nhưng tôi cũng muốn nhắc rằng nếu nhìn vào các con số thống kê về số ngày lao động bị mất vì đình công, Pháp cũng chỉ ở nhóm giữa”. Một khác biệt là ở các nước khác, đình công thường diễn ra sau khi thương lượng công đoàn-giới chủ (hay chính phủ) thất bại, còn ở Pháp, đình công diễn ra trước cả các cuộc thương lượng để phô diễn sức mạnh của phía công đoàn.
>>>> 5 sự thay đổi trong luật bóng đá ở EURO 2016
Không cản trở EURO?
“Đây không phải là cuộc biểu tình của người lao động trong ngành vận tải ngăn cản CĐV tới sân bóng”, Philippe Martinez, lãnh đạo công đoàn CGT uy tín và lâu đời nhất ở Pháp, đồng thời là CĐV Barcelona, nói. Nhưng ông Martinez cũng đe dọa là “mọi việc phụ thuộc vào chính quyền”. CGT trước đó đã đe dọa sẽ khiến Paris và các thành phố lớn khác “tê liệt”. SUD, một liên đoàn lao động lớn khác với nhiều thành viên làm việc cho hệ thống vận tải công cộng ở Paris, đã nói họ không loại trừ khả năng kêu gọi thành viên đình công đúng vào ngày 10/6, ngày khai mạc EURO. Ngày 14/6 dự kiến sẽ có một cuộc đình công khác trên quy mô toàn quốc.
Chưa thể ước lượng ảnh hưởng của những cuộc đình công. Chính quyền Pháp có thể sẽ nhượng bộ để tránh phương hại tới sự kiện thể thao được coi là bộ mặt quốc gia, nhưng vẫn sẽ xảy ra những vụ hủy, hoãn, trễ không tránh khỏi với các tuyến đường không, đường thủy và đường sắt. Các CĐV định đến xem trận đấu đã được khuyến cáo đi sớm hơn. Từ năm 2007, chính phủ đạt được thỏa thuận với người lao động ngành đường sắt rằng họ phải thông báo 48 tiếng trước khi đình công, nên người hâm mộ cũng cần theo dõi kỹ các tin tức cập nhật.
Bài trên nói về Cuộc đình công có ảnh hưởng tới EURO 2016?, hy vọng bài viết có thể giúp ích được cho bạn. Chúc bạn thành công!
Theo Thể thao & Văn hóa