Cờ vây — May 16, 2016 at 9:55 am

Review cuốn sách: Kỳ nhân chơi cờ vây của Kawabata Yasunari

by
Rate this post

Kỳ nhân là tiêu đề tạm dịch của tác phẩm văn học nổi tiếng Meijin, được viết bởi Kawabata, nhà văn đầu tiên của Nhật Bản đoạt giải Nobel văn học. Bản thân Kawabata cho rằng đây là tác phẩm hay nhất mình từng viết ra. Bản dịch tiếng Anh của quyển này có tên The Master Of Go, đây là quyển sách đã góp phần rất lớn trong việc thu hút sự quan tâm của người chơi cờ ở phương Tây. Hiện tại chưa có bản dịch tiếng Việt chính thức được phát hành

Sự xung đột cuối cùng và quyết định giữa truyền thống và hiện đại

Khi tôi gấp lại cuốn sách khá mỏng này của Kawabata, có một điều trở nên rõ rệt hơn nhiều : tại sao ông lại tự sát. Trong các tác phẩm của ông, Meijin, hay The master of Go, hay Kỳ nhân, là một ngoại lệ. Nó không giống các câu chuyện đơn giản và tinh tế khác, nó là một sự kết hợp có phần lạ lùng giữa tiểu thuyết và bút ký.

Meijin dựa trên một sự kiện có thật : vào năm 1938, kỳ nhân cờ vây Honinbo Shusai, 9 đẳng, đấu một trận “giải nghệ” với Kitani Minoru, 7 đẳng. Honinbo Shusai, tên thật là Hoju Tamura, là bản nhân phường (Honinbo) thứ 21 và cuối cùng, ông có nghệ danh Shusai. Năm 1914, ông được giới cờ Vây Nhật bản phong làm Meijin – Kỳ nhân thứ 10 trong lịch sử, chức vị cao nhất trong cờ Vây, đạt được không chỉ vì trình độ số 1 về cờ, mà còn vì được cả giới kính phục và đồng lòng suy tôn. Trận đấu vào năm 1938 đó rất quan trọng và được cả nước Nhật quan tâm. Yasunari Kawabata là một trong những phóng viên hiện trường, ông đảm nhiệm việc tường thuật trực tiếp không chỉ những nước đi của hai kỳ thủ, mà còn về bản thân họ, một bản tường thuật dài kỳ bởi trận đấu kéo dài nhiều tháng. Trận đấu kết thúc với phần thắng thuộc về Kitani Minoru, ông thắng 5 điểm với quân đen.

meijin-kawabata-2

Kawabata không viết Meijin ngay. Ông hoàn thành tác phẩm vào năm 1952, 14 năm sau. Thoạt nhìn thì Meijin dường như là một tập hợp của những bài tường thuật ngắn và đơn giản đăng trên báo trong quá khứ : các địa điểm, các mốc thời gian, các trọng tài, khách sạn và cả những nước đi đều được giữ nguyên so với thực tế. Thế nhưng Kawabata đã đổi tên Kitani Minoru thành Otake, trong khi giữ nguyên tên của Honinbo Shusai. Điều này có nghĩa là gì ? Kawabata đã hư cấu phần quan trọng nhất của câu chuyện, ông hư cấu hai nhân vật chính. Trận đấu cờ Vây trong thực tế khi vào tiểu thuyết trở thành một cái gì rộng và sâu hơn cờ Vây rất nhiều, đó chính là sự xung đột cuối cùng và quyết định giữa truyền thống và hiện đại, giữa nghệ thuật và sự tính toán, giữa sự lãng mạn đang ngày một phai tàn và logic sắt đá thực dụng. Kawabata nói rằng Kỳ nhân là tác phẩm hay nhất mà ông đã từng viết ra. Có thật như thế không ? Tôi không nghĩ rằng nó hay hơn Ngàn cánh hạc, Xứ tuyết hay Cố đô. Chẳng thể nào hay hơn được. Có lẽ Kawabata nói thế không phải vì nó thực sự hay nhất, mà bởi vì ông muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nó đối với cuộc đời ông.

Không khó để nhận ra sự ưu ái gần như trìu mến của Kawabata dành cho nhân vật Kỳ nhân ở trong truyện. Không giống version láu cá và nhiều khi chơi bẩn ở ngoài đời, Honinbo Shusai hư cấu cư xử cao thượng và vị tha hết mực. Ở tuổi cổ lai hy sáu mươi tư, sức khoẻ rất yếu phải nhập viện mấy lần trong suốt quá trình chơi, Honinbo Shusai vẫn luôn kiên nhẫn, nhượng bộ cho một Otake trẻ tuổi hơn nhiều. Cái ông muốn không phải là thắng, mà là tạo ra một tác phẩm nghệ thuật trên bàn cờ Vây với những quân cờ đen trắng.

Mỗi kỳ thủ có 40 giờ để hoàn thành ván đấu và Shusai luôn đi nhanh hơn hẳn Otake, hầu như chỉ sử dụng một nửa thời gian so với đối thủ của mình. Đi sau với quân trắng vốn yếu thế hơn, nhưng Shusai đã tạo được một thế trận phức tạp và cân bằng động với Otake. Sự cân bằng đó chỉ bị phá vỡ khi Otake đi một nước “rất tính toán và thực dụng”, môt nước phá vỡ sự hài hoà, phá vỡ dòng chảy của ván cờ. Hiểu nhầm rằng Otake vì quá muốn thắng mà sử dụng tiểu xảo, Shusai thoạt tiên muốn huỷ ván đấu, cho rằng tính nghệ thuật của ván cờ đã mất hết. Nhưng sau đó ông vẫn chơi tiếp và do mất bình tĩnh đã phạm sai lầm quyết định dẫn đến Đen thắng 5 mục.

Điều đáng nói là ai chơi cờ Vây đều biết rằng sau này người ta đã thống nhất về komi – lượng mục Đen phải chấp trắng do được ưu tiên đi trước, khởi nguồn thì komi được tính là 5,5 và gần đây đã tăng lên 7,5. Dù ở mức nào thì nếu tính như luật cờ hiện đại, Otake là người thua. Thậm chí sau tất cả những chuyện đó, đúng ra Otake vẫn là người thua. Tuy nhiên năm 1938 người ta chưa có luật komi, và trận thua này của Honinbo Shusai cũng là ván cờ cuối cùng trong cuộc đời ông. Sau trận đó ông không còn là chính mình, ông trở thành một ông già lão suy bình thường như bao ông già khác, và chết không lâu sau đó.

Bản nhân phường Shusai và sự thua cuộc của ông là nơi mà Kawabata muốn gửi gắm nỗi buồn của mình : sự thua cuộc của nước Nhật trong thế chiến thứ hai, sự suy tàn của truyền thống, của nghệ thuật, sự dấn tới lì lợm của những quan niệm và lối sống hiện đại mà Kawabata không muốn và không thể sống hạnh phúc trong nó. Meijin dường như là điếu văn cho một nước Nhật mà ông vẫn yêu bằng những rung động tinh tế mà sâu lắng. Nước Nhật của Kawabata là nước Nhật khi mà cô gái mười bẩy tuổi đếm những bông hoa lan màu tím nở trên gốc cây cổ thụ trong vườn, còn nước Nhật của hiện thực là nước Nhật của shinkansen, của sự chuyên nghiệp, tiết kiệm từng giây phút. Không khó để hiểu người như Kawabata sẽ không thể hạnh phúc trong nước Nhật mới này.

Không tuyệt đối như câu chuyện của Kawabata, hiện thực cho ta một gam màu xám hơn nhiều : Honinbo Shusai đúng là một kỳ nhân, nhưng ông lại không phải là người chơi cờ vây vĩ đại nhất thế kỷ 20 của Nhật. Vinh dự đó thuộc về Go Seigen, một thiên tài cờ Vây gốc Hoa. Cái chết của Shusai chẳng phải là kết thúc của truyền thống. Người thắng cuộc, Kitani Minoru, đồng thời là bạn thân của Go Seigen, là một nhà giáo dục cờ vây vĩ đại, và không có gì là quá “hiện đại” ở trong ông. Nhưng dù sao thì thời đại mới, với tất cả những ưu điểm và khiếm khuyết của nó, là không thể tránh khỏi. Câu chuyện về Kỳ nhân là đoản khúc tiễn biệt mà Kawabata tự viết cho mình.

Ngoài môn cờ ra, còn những môn cờ khác để bạn cũng có thể chơi mà học như cờ vua, cờ tướng… để thấy được sự thay đổi các cách chơi đối với từng loại cờ. Dưới đây là Review cuốn sách: Kỳ nhân chơi cờ vây của Kawabata Yasunari, hy vọng bài viết cung cấp đủ kiến thức cho bạn.

Theo blogcovay

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *