Thể thao & Cuộc sống — April 25, 2016 at 9:24 am

Leo núi và đi bộ xuyên rừng (Trekking): Lắng nghe núi hát, thì thầm

by
Rate this post

Ở Việt Nam, trekking còn khá xa lạ nhưng với nhiều nước, môn chơi này gần như là một nét văn hóa – du lịch – thể thao phổ biến khá rộng rãi thu hút mọi tầng lớp, lứa tuổi. Bởi bên cạnh những thử thách bản thân sẽ phải vượt qua, mỗi chuyến trekking còn giúp cho người chơi có những trải nghiệm đầy mạo hiểm và kỳ thú về vùng đất, con người mình đặt chân đến.

Muốn trekking, hãy “chạm” vào hồn núi…
Trò chuyện với các VĐV tham gia chương trình “Chinh phục đỉnh Everest”, dù mỗi người một cảm nhận, nhưng tựu trung tất cả đều chung một ý kiến: Việc đầu tiên cần làm khi chinh phục bất kỳ ngọn núi nào là phải tìm hiểu lịch sử, quá khứ, các nền văn hóa tại bản địa. VĐV Lê Bá Công cho biết: “Trekking không có nghĩa là cắm cúi đi, mà để chinh phục một ngọn núi bạn cần phải “lắng nghe núi hát, thì thầm”. Đó là do mỗi ngọn núi đều rất linh thiêng với người dân xung quanh. Khi chinh phục những ngọn núi như Fansipan, Kinabalu hay Kilimanjaro, tôi lại khám phá ra những truyền thuyết mới thú vị và đầy huyền bí mà nếu không dấn thân vào thì không thể cảm nhận trọn vẹn được”. Cũng bởi thế mà trước mỗi chặng chinh phục, HLV Sherap Sherpa luôn nhắc đi nhắc lại với các VĐV: “Hãy tìm hiểu và tỏ ra tôn trọng mọi ngọn núi mình chinh phục. Có tôn trọng núi, thì mới có thể hiểu và tránh được việc nhận những hậu quả khi núi nổi giận”.

leo-nui
Hành trình gian nan…

Thói quen chung của những tay trekking kỳ cựu khi đến một địa phương là lập tức bắt chuyện với người dân sống dưới chân núi. Đây là những kiến thức cơ bản mà bất kỳ ai muốn dấn thân vào thế giới phiêu lưu, mạo hiểm và khám phá của trekking đều phải nằm lòng. Một ngọn núi xứ nhiệt đới sẽ có những đặc điểm khác với một ngọn núi ôn đới về độ ẩm, nhiệt độ và cả những động – thực vật trên đường đi. Những truyền thuyết lưu truyền trong nhân gian về sự hy sinh, tai nạn bên đường sẽ là những bài học đắt giá cho những người đi sau khi đối mặt với những khúc đường cheo leo, chông chênh… Và ý nghĩa dễ thấy nhất, có biết những truyền thuyết về núi, chúng ta mới có thể có những sự tôn trọng với núi, đồng thời tránh được những hành động vô ý mạo phạm đến người dân bản địa.

Những bài học núi truyền dạy cho ta

leo-nui-1
Tìm hiểu văn hóa bản địa

Có một câu châm ngôn lưu truyền khá rộng rãi trong giới leo núi: “Leo núi dạy con người ta cách kiên nhẫn”. Trekking tuy không tốn nhiều sức như climbbing (leo lên những vách đá dựng đứng), nhưng cũng đòi hỏi sự dẻo dai và kiên trì không nhỏ. Bởi khi leo lên độ cao hàng ngàn mét, không khí càng lúc càng loãng (ở độ cao 6.000m lượng ôxy trong không khí chỉ còn 60% bình thường và giảm xuống chỉ còn 30% tại 8.000m), nhiệt độ càng xuống thấp (thông thường cứ lên cao 100m nhiệt độ lại giảm 1°C). Vì thế, nếu bạn nóng vội đi nhanh sẽ nhanh chóng bị kiệt sức do cơ thể không hấp thụ ôxy kịp. Việc thiếu ôxy (hay còn được gọi là say núi) có thể dẫn đến đau đầu, nôn mửa, mất ngủ, suy nghĩ không liền mạch và không thể duy trì lâu dài các hoạt động của cơ thể.

Do trekking là hình thức giúp con người trở nên thân thiện với nhau hơn nên nếu nóng vội khi leo núi, bạn sẽ mất đi cơ hội tận hưởng hoa, cỏ, cảnh vật xung quanh… Một trong những điều các chuyên gia liên tục nhắc nhở đến mọi thành viên trong đoàn là “hãy mỉm cười, vẫy tay và trò chuyện với tất cả mọi người bạn gặp trên đường. Bởi khi bạn bị nạn, chính họ sẽ là những người cứu bạn”. Cùng nhau đi trên con đường đầy thử thách, con người ta rất dễ xích đến với gần nhau hơn. Riêng chuyến đi Kilimanjaro vừa qua, VĐV Vũ Thanh Minh (nguyên là một HDV du lịch) cho biết anh đã làm quen với không ít VĐV, tour guide… gặp hai bên đường và cũng đã tranh thủ khoe về đất nước, con người Việt Nam với họ. Rất nhiều người trong số này đã tỏ ra quan tâm và khẳng định sẽ đến thăm quan Việt Nam. Trong khi đó, VĐV Phan Thanh Nhiên khẳng định: “Có trekking mới thấy từng bước chân của mình trở nên có ý nghĩa hơn”.

Hiểu theo nghĩa đơn giản là đi xuyên rừng và leo lên những ngọn núi hoang sơ, trekking là một hình thức rèn luyện thể lực lẫn ý chí rất hiệu quả. Những khi chân, vai mỏi nhừ, việc quyết định đi tiếp thêm từng chút, từng chút sẽ giúp con người ta mạnh mẽ hơn qua mỗi bước chân. Do vậy, có thể nói trekking còn là hình thức kiểm tra ngưỡng chịu đựng về thể lực và ý chí trong mỗi con người và đó là một trong những yếu tố tạo nên sức hút lớn nhất của môn chơi này. Và chắc chắn bạn, cũng như tất cả những người tham gia đoàn chinh phục, sẽ rất bất ngờ khi thấy cái “ngưỡng” của bản thân hoặc người bên cạnh cao hơn ta vẫn tưởng rất nhiều. Vượt qua được những điều đó, bản lĩnh và sự tự tin của người chơi sẽ được tôi luyện lên một tầm mới, bởi theo HLV Sherap Sherpa thì “Cảm giác choáng ngợp khi bạn đứng trên một đỉnh núi không thể diễn tả được bằng lời và chỉ có những ai từng chinh phục một đỉnh núi giống bạn thì mới đồng cảm được. Tất nhiên, mỗi người sẽ có một chút khác biệt tùy theo cảm nhận của bạn về ngọn núi đó”.

Việc sống trong hoang sơ, không điện, không nước trên mỗi ngọn núi sẽ giúp mỗi người hiểu rõ hơn giá trị của cuộc sống, của những điều bình thường, nhỏ nhặt mà đôi khi trong cuộc sống bận rộn ta đã vô tình quên mất. Bên cạnh đó, một trong những điều thú vị nhất mà các VĐV leo núi của chúng ta từng được trải nghiệm là tình yêu vô bờ với Tổ quốc khi thực hiện những cuộc chinh phục ở nước ngoài. Trên đỉnh núi, họ đã cùng ôm nhau khóc và cùng đặt tay lên tim hát vang bài quốc ca bên cạnh lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ. Nếu bạn trekking ở nước ngoài, chắc chắn khi ấy bạn sẽ trở thành đại diện của thanh niên của quốc gia mình khi trò chuyện với thanh niên thế giới, và tự khắc mỗi chúng ta đều sẽ cảm thấy tinh thần dân tộc bỗng chốc tràn ngập trong tim.

Rất tiếc là hầu hết những người tham gia trekking ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là người nước ngoài. Điều này một phần vì chúng ta vẫn chưa hình thành được một thói quen du lịch mạo hiểm và thông tin về môn chơi này vẫn còn rất hạn chế. Những năm gần đây, các công ty du lịch lữ hành trong nước có những nỗ lực nhất định để truyền bá môn chơi mạo hiểm đầy lý thú này và đã nhận được những sự hưởng ứng nhất định từ giới trẻ. Vì vậy, chắc chắn trong tương lai môn trekking sẽ trở nên phổ biến hơn khi mức sống người dân dần nâng cao. Khi ấy, nó sẽ thỏa mãn được nhu cầu thử thách bản thân của giới trẻ, góp phần hun đúc nên một lớp thanh niên Việt Nam mạnh mẽ, giàu nhiệt huyết và đầy bản lĩnh khao khát hướng tới những thử thách càng lúc càng cao.

Các dụng cụ nên mang theo trong các chuyến Trekking

– Quần áo ấm, ủng lội nước và giày xăng-đan để đi rừng, áo đi mưa. Vớ giày chống vắt là cần thiết ở những khu ẩm thấp. Quần áo nên có nhiều túi để đựng đồ. Balô nên có thắt lưng để áp chặt vào lưng, áo tay dài để bảo vệ tay. Tùy theo thể lực và mức độ khó khăn của chuyến đi, bạn hãy chú ý chọn lựa dụng cụ mang theo.

– Lều trại, dây thừng (dù), tấm trải, túi ngủ, dao đi rừng, la bàn, còi, bật lửa, đèn pin, nến đốt, nồi niêu xoong chảo, siêu đun nước, nón bịt tai.

– Khi leo núi hãy uống nước thường xuyên để lấy lại sức và tăng khả năng hấp thụ ôxy. Các loại thuốc trị cảm, sốt, tiêu chảy, hạ sốt, kháng sinh, bông băng, thuốc đỏ, Vitamin, thuốc bổ và kẹo Snicker (một loại kẹo cung cấp năng lượng rất cao) là không thể thiếu. Vaselin dùng chống nứt nẻ môi cũng rất cần thiết.

– Thức ăn nên là đồ khô như bánh mì, thịt hộp, ruốc, mì tôm và các loại bánh dinh dưỡng…

– Hãy chú ý mang theo nhiều… bao cao su! Với dân chơi thể thao mạo hiểm, đây là một món đồ không thể thiếu bởi ngoài chức năng mặc định được hiểu rộng rãi, bao cao su có vai trò rất quan trọng bởi tính đa dụng của nó: quấn lại có thể làm ga-rô cầm máu, khi thổi lên trở thành bao đựng điện thoại, micro, máy nghe nhạc, máy ảnh và cả máy quay phim (!). Thậm chí, nếu lấy áo trùm bên ngoài, nó sẽ trở thành phao để bơi qua sông!

– Các bạn cũng không nên quên đem theo sổ và bút để ghi lại nhật ký hành trình, giúp giữ lại những cảm xúc, kinh nghiệm mà bạn cảm nhận về chuyến đi.

Leave a Comment

Your email address will not be published.