Cờ, Cờ tướng — August 24, 2022 at 7:40 am

Luật cờ tướng Việt Nam cho thi đấu chuyên nghiệp

by
3.7/5 - (3 votes)

Cờ Tướng là một trò chơi trí tuệ có truyền thống hàng trăm năm ở nước ta ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở thành một môn thể thao được nhiều người yêu thích. Cờ thủ được thấy ở mọi nơi, mọi lứa tuổi,…Vậy để chơi tốt được môn cờ tướng bạn cần trang bị cho mình kiến thức về luật cờ tướng. Ở Việt Nam thì luật cờ tướng ra sau? Cách tính thắng-thua như thế nào? Mời bạn xem ngay bên dưới nhé!

1. Sơ lược về Luật cờ tướng Việt Nam

Quyết định 1409/2004/QĐ-UBTDTT/TT1 về việc ban hành Luật Cờ Tướng do Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao ban hành.

Trên bàn cờ tướng có tất cả 32 quân chia đều cho 2 đối thủ. Mỗi quân cờ đều phải tuân theo quy định đi quân.

Luật đi quân

  • Các quân cờ sẽ được sắp xếp ở vị trí nhất định của mình. Chúng chỉ được di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác theo đúng quy định luật đi của mình.
  • Mỗi nước đi, mỗi bên chỉ được di chuyển duy nhất một quân cờ.
  • Hai bên luân phiên thứ tự đi cho tới khi tuyên bố ván cờ kết thúc.

Cách đi của từng loại quân

luật cờ tướng
Các quân cờ & số lượng – Luật cờ tướng Việt Nam

32 quân cờ được chia thành 7 loại khác nhau và tuân theo luật di chuyển như sau:

  • Tướng: Quân tướng chỉ được di chuyển, đi lại theo hàng dọc, ngang hoặc chéo trong phạm vi cung Tướng của mình. Mỗi nước đi chỉ đi từng ô một.
  • Sĩ: di chuyển từng bước một theo đường chéo trong ô cung Tướng.
  • Tượng: chỉ được phép di chuyển trong địa phận của mình. Mỗi nước đi chéo hai bước. Nếu có quân khác đứng ở giữa thì quân Tượng không đi được do bị cản.
  • Xe: đi dọc hoặc ngang.
  • Mã: đi theo đường chéo hình chữ nhật tạo thành bởi 2 ô vuông liền kề nhau. Nếu có quân cờ khác ở ngay bên cạnh thì quân Mã bị chặn, không đi được.
  • Pháo: đi ngang, dọc giống xe khi không bắt quân. Nếu đi bắt quân của đối phương thì cần phải có một quân khác trên đường đi để làm ngòi. Nếu không có ngòi hoặc có từ 2 ngòi trở lên thì không bắt được quân của đối thủ.
  • Tốt: mỗi nước đi một bước, tiến tới khi qua sông. Khi qua sông, sang nửa bàn cờ bên kia, Tốt được thêm quyền đi ngang.

2. Một số thuật ngữ trong luật cờ tướng Việt Nam

Trong luật cờ tướng quốc tế cũng như tại Việt Nam có một số thuật ngữ cơ bản, bạn cần phải nắm được. Như:

  • Chiếu tướng: đây là nước đi làm cho tướng của đối phương sẽ bị bắt ngay trong nước tiếp theo.
  • Thí quân: một quân cờ di chuyển tới vị trí nó có thể bắt được quân cùng loại của đối phương. Đồng thời, tại đó, quân đối phương cũng có thể bắt lại nó.
  • Đuổi quân: là nước di chuyển quân cờ tới vị trí nó có thể bắt được quân cờ khác của đối thủ trong nước tiếp theo.

3. Luật bắt quân trong cờ tướng

luật cờ tướng
Luật bắt quân trong cờ tướng

Bắt quân là một việc diễn ra phổ biến trên bàn cờ tướng. Vậy chúng tuân thủ theo quy tắc nào? Đó là:

  • Một quân đi tới điểm khác theo đúng luật đi mà tại đó đang có quân của đối phương thì được quyền bắt quân, chiếm giữ vị trí đó.
  • Không được phép bắt quân của bên mình. Người chơi chỉ có thể để đối phương bắt quân bên mình hoặc chủ động hiến quân cho đối thủ.
  • Một khi quân cờ đã bị bắt thì sẽ bị loại và nhấc ra khỏi bàn cờ.

4. Quy tắc phán xử chung khi chơi cờ tướng

Khi nắm bắt được cách đi của các quân cờ cũng như một số thuật ngữ chung, tiếp đến, chúng ta tìm hiểu về quy tắc phán xử chung thường gặp trong luật thi đấu cờ tướng.

luật cờ tướng
Trường hợp THẮNG – THUA trong Luật cờ tướng

Trường hợp xử hòa

Trận đấu được tính là hòa cờ trong một số trường hợp sau:

  • Một trong 2 người chơi không thay đổi nước đi của mình. Như chiếu dai, đuổi dai.
  • Không có bên nào có thể thắng cờ.
  • Một bên cầu hòa, bên kia đồng ý.

Trường hợp xử thắng cờ

Được tính là thắng cờ nếu:

  • Chiếu bí được Tướng của đối thủ.
  • Vây, bắt được Tướng.
  • Đối phương chiếu mãi hoặc dùng nhiều quân thay nhau chiếu mãi mà không thay đổi nước đi.
  • Đối thủ phạm luật cấm.
  • Đối thủ tự xin thua.

Xem thêm: Hướng dẫn chơi cờ Tướng dành cho người mới bắt đầu

5. Luật cờ tướng Việt Nam thi đấu chuyên nghiệp

Dưới đây là bản tóm tắt Luật cờ tướng cho việc thi đấu chuyên nghiệp.

Điều 1. MỤC ĐÍCH CỦA MỘT VÁN CỜ

Ván cờ được tiến hành giữa hai đấu thủ, một người cầm quân Trắng, một người cầm quân Đen. Mục đích của mỗi đấu thủ là tìm mọi cách đi quân trên bàn cờ theo đúng luật để chiếu bí Tướng (hay Soái) của đối phương, giành thắng lợi.

Điều 2. BÀN CỜ VÀ QUÂN CỜ

2.1.Bàn cờ:

– Bàn cờ là một hình chữ nhật do 9 đường dọc và 10 đường ngang cắt vuông góc tạ 90 điểm hợp thành. Một khoảng trống gọi là sông (hay hà) nằm ngang giữa bàn cờ, chia bàn cờ thành hai phần đối xứng bằng nhau. Mỗi bên có một cung Tướng hình vuông so 4 ô hợp thành tại các đường dọc 4, 5, 6 kể từ đường ngang cuối của mỗi bên, trong 4 ô này có vẽ 2 đường chéo xuyên qua.

Bàn cờ và các khu vực trên bàn cờ

luật cờ tướng
Bàn cờ tướng đúng quy chuẩn

– Theo quy ước về in ấn, bàn cờ được đặt đứng. Bên dưới là bên Trắng (đi tiên), bên trên là bên Đen (đi hậu). Các đường dọc bên Trắng được đánh số từ 1 đến 9 từ phải qua trái. Các đường dọc bên Đen được đánh số từ 9 tới 1 từ phải qua trái.

2.1.Quân cờ:

– Mỗi ván cờ lúc bắt đầu phải có đủ 32 quân, gồm 7 loại chia đều cho mỗi bên gồm 16 quân Trắng và 16 quân Đen. 7 loại quân có ký hiệu và số lượng như sau (Như hình):

luật cờ tướng
Quân cờ tướng quốc tế là kiểu quy chuẩn chung cho bộ môn Cờ tướng

Quân cờ và tên gọi:

– Quy định quân cờ Tướng chỉ có hai màu là Trắng và Đen. Các văn bản ghi chép đều thống nhất dùng hai màu này. Các loại quân cờ hiện nay được chơi có nhiều màu. Nếu là 2 màu Đỏ và Xanh thì Đỏ được coi là Trắng, Xanh là Đen. Còn với các màu khác thì quy ước màu nhạt là Trắng, màu sẫm là Đen.

– Trên sách báo, quân nào chữ đen trên nền trắng được gọi là quân Trắng, quân nào có chữ trắng trên nền đên được gọi là quân Đen.

– Đấu thủ cầm quân Trắng được đi trước

Điều 3. XẾP QUÂN KHI BẮT ĐẦU VÁN ĐẤU

– Khi bắt đầu ván đấu, mỗi bên phải xếp quân của mình theo quy định trên các giao điểm (như hình)

luật cờ tướng
Các quân cờ được xếp trên bàn cờ theo Luật cờ tướng Quốc tế

Điều 4. ĐI QUÂN

Quân cờ được xếp tại các giao điểm và di chuyển từ giao điểm này sang giao điểm khác theo đúng quy định cho từng loại quân.

Nước đi dầu tiên của ván cờ thuộc bên Trắng, sau đó đến bên Đen và luân phiên thứ tự đó cho đến khi kết thúc ván cờ.

Mỗi nước đi, mỗi bên chỉ được di chuyển một quân đúng theo quy định.

Nếu đấu trực tiếp một ván thì phải bốc thăm chọn người đi trước. Nếu đấu hai hoặc nhiều ván thì bốc thăm quyết định người đi trước ván đầu, sau đó thay phiên nhau cầm quân Trắng, Đen. Thi đấu theo hệ vòng tròn, mỗi ván căn cứ vào số (còn lại là mã số, ấn định cho mỗi đấu thủ trước khi bắt thăm) cảu đấu thủ trong bảng để xác định ai là người được đi trước.

Thi đấu theo hệ Thụy Sĩ thì mỗi vòng đấu đều phải sắp xếp lại theo nhóm điểm, màu quân và bốc thăm theo quy định (xem chương VI)

Cách đi từng loại quân quy định như sau.

+ Tướng (hay Soái):

Mỗi nước được đi một bước ngang dọc tùy ý nhưng chỉ trong cung Tướng. Hai Tướng (Soái) không được đối mặt nhau trực tiếp trên cùng một đường thẳng. Nếu đối mặt, bắt buộc phải có quân cảu bất kỳ bên nào đứng che mặt.

+ Sĩ:

Mỗi nước đi từng bước một theo đường chéo trong cung Tướng.

+ Tượng:

Mỗi nước đi chéo hai bước tại trận địa bên mình, không được qua sông. Nếu ở giữa đường chéo đó có quân khác đứng thì quân Tượng bị cản, không đi được (xem hình)

Minh họa nước cản tượng: Tượng trắng bị tướng trắng cản nên khôngthể đi đến điểm 4 mà chỉ có thể đi đến vị trí 1,2,3

+ Xe:

Mỗi nước được đi dọc hoặc đi ngang, không hạn chế số bước đi nếu không có quân khác đứng cản đường.

+ Mã:

Đi theo đường chéo hình chữ nhật của hai ô vuông liền nhau. Nếu ở giao điểm liền kề bước thẳng dọc ngang có một quân khác đứng thì Mã bị cản, không đi được

Minh họa nước cản mã: Mã đen bị tướng trắng cản nên không thể đi đến vị trí 3,4, chỉ có thể đến vị trí 1,2,5,6,7,8

+ Pháo:

Khi không bắt quân, mỗi nước đi ngang, dọc giống Xe; khi bắt quân đối phương thì trên đường đi giữa Pháo và quân bị bắt buộc phải có một quân khác bất kỳ đứng làm “ngòi”. Pháo không có ngòi hay có hai ngòi trở lên thì không được quyền bắt quân đối phương.

+ Tốt (Binh):

Mỗi nước đi một bước. Khi chưa qua sông Tốt chỉ được tiến. Khi Tốt đã qua sông được quyền đi tiến và đi ngang, không được phép lùi.

Điều 5. BẮT QUÂN

Khi một quân đi tới một giao điểm khác đã có quân đối phương đứng thì được quyền bắt quân đó, đồng thời chiếm giữ vị trí quân bị bắt.

Không được bắt quân bên mình. Được phép cho đối phương bắt đầu quân mình hay chủ động hiến quân mình cho đối phương, trừ Tướng (Soái).

Quân bị bắt phải bị loại và bị nhấc ra khỏi bàn cờ.

Điều 6. LUẬT CHIẾU TƯỚNG TRONG CỜ TƯỚNG

Quân của một bên đi một nước uy hiếp để nước tiếp theo chính quân đó hoặc quân khác bắt được Tướng (Soái) của đối phương thì gọi đó là nước chiếu tướng. Bên bị chiếu Tướng phải tìm cách chống đỡ ứng phó, tránh nước chiếu Tướng. Nếu không sẽ bị thua ván cờ. Khi đi nước chiếu Tướng, bên đi có thể hô “chiếu Tướng!”hay không cần hô cũng được. Tướng bị chiếu từ cả bốn hướng (bị chiếu cả từ phía sau)

luật cờ tướng
Chiếu tướng

Ứng phó với nước chiếu Tướng.

– Để không thua cờ, bên bị chiếu Tướng phải ứng phó theo các cách sau:

  • Di chuyển Tướng sang vị trí khác để tránh nước chiếu.
  • Bắt quân đang chiếu.
  • Dùng quân khác cản quân chiếu, đi quân che đỡ cho Tướng

Điều 7. THẮNG CỜ, HÒA CỜ VÀ THUA CỜ

Thắng cờ: Trong một ván cờ, đấu thủ thắng cờ nếu:

a) Chiếu bí được Tướng đối phương.

b) Khi Tướng (hay Soái) của đối phương bị vây chặt hết nước đi và các quân khác của đối phương cũng không thể di chuyển được thì tuy chưa bị chiếu hết, đối phương vẫn bị tuyên bộ thua cờ.

c) Chiếu Tướng đối phương mà đối phương không chống đỡ cho Tướng mình được.

d) Đối phương không đi đủ số nước quy định trong thời gian quy định.

e) Đối phương tới chậm quá thời gian quy định để bắt đầu ván đấu.

g) Bất kể tình huống nào, đối phương dùng một quân chiếu mãi hoặc dùng nhiều quân thay nhau chiếu mãi, thì phải thay đổi nước di, nếu không bị xử thua.

h) Đối phương phạm luật cấm, còn bên này không phạm luật, bên phạm luật không chịu thay đổi nước đi.

i) Khi mở niêm phong tiếp tục ván hoãn, nếu bênh niêm phong ghi sai nước đi mà không giải thích được thì bị xử thua. Nếu đấu thủ có lượt đi ghi sai nươc đi trong niêm phong nhưng đối phương bỏ cuộc thì cả hai đều bị xử thua.

k) Đối phương tự tuyên bố xin thua.

l) Đối phương vi phạm luật bị xử thua.

m) Đối phương không ghi 3 lần biên bản mỗi lần gồm 4 nước liên tục.

n) Đối phương mắc lỗi kỹ thuật 3 lần, mắc lỗi tác phong 3 lần.

o) Đối phương vi phạm các trường hợp bị xử thua cụ thể trên các thế cờ (xem chương V)

Hòa cờ khi gặp các tình huống sau đây:

a) Trọng tài xét thấy ván cờ mà hai bên không thể bên nào thắng, tức là cả hai bên không còn quân nào có thể tấn công đối phương để chiếu bí được Tướng đối phương.

b) Hai bên đều không phạm luật cấm và đều không chịu thay đổi nước đi.

c) Hai bên cùng một lúc phạm cùng một điều luật cấm (như đuổi bắt quân nhau…)

d) Một bên đề nghị hòa, bên đối phương đồng ý thì ván cờ mặc nhiên được công nhận là hòa.

e) Một bên đề nghị hòa, sau khi trọng tài kiểm tra mỗi bên đi đủ 60 nước mà không có một nước bắt quân nào thì ván cờ được xử hòa.

f) Khi một bên đang vào thế bị chiếu hết, bị vây chặt không còn nước đi thì không được phép đề nghị hòa.

g) Các trường hợp cụ thể về hòa cờ, thể thức hòa cờ

theo cothu.vn

Comments are closed.