Karatedo hiện đại cần có những kỹ thuật căn bản để tập luyện từ các kỹ thuật căn bản như kỹ thuật đấm, động tác chân, các thế tấn, những ứng dụng thực hành đòn đấm, cú đá, v.v… Dưới đây là Phương pháp tập luyện Karate
1. Tấn pháp
Mỗi một võ sinh Karate muốn đạt được trình độ chuyên môn cao, điều căn bản kỹ thuật trước hết là các thế đứng, còn gọi là tấn pháp (Dachi Waza). Tấn pháp quan trọng và cần thiết đối với võ sinh cũng như nền móng vững chắc cho một tòa nhà cao tầng. Bộ tấn Karate căn bản gồm có 18 tấn khác nhau. Tuy nhiên, qua thực chiến trận mạc các bậc thầy đã sáng tạo thêm nhiều tấn khác. Mỗi một tấn có khoảng cách khác nhau, hướng của mũi bàn chân, dạng của hai bàn chân trụ tấn khác nhau. Tất cả đều tuân thủ theo nguyên tắc khoa học, sự tính toán khoa học, giữa trọng tâm con người và khoảng cách hai chân, trọng lượng chịu đựng trên mỗi bàn chân. Mỗi một tấn áp dụng thích nghi cho các đòn kỹ thuật làm tăng thêm sức mạnh của đòn thế bằng khoảng cách tấn công và phản công. Mỗi tấn được ổn định là làm cho trọng tâm con người luôn luôn được thăng bằng (F1d1= Fedz, →F21 = -→F12), trong di chuyển cũng như cố định. Hoạt động di chuyển của một tấn là sự chuyển động từ phần thắt lưng trở xuống, ví dụ như chúng ta đang cầm một bát nước đầy ngang thắt lưng muốn nước khỏi tràn ra ngoài thì ta phải di chuyển trên mặt phẳng nằm ngang. Trọng tâm con người ở Đan Điền, nơi tập trung sức mạnh về thể lực cũng như ý lực, các bạn cố gắng giữ thăng bằng khi di chuyển cũng như biến tấn không để trồi lên sụt xuống. Khi di chuyển bạn nên phối hợp các tấn và kỹ thuật khác nhau, với hai tiêu chuẩn: thăng bằng và nhanh nhẹn, có như vậy mới đạt yêu cầu của tấn pháp Karate.
2. Bộ pháp
Nền tảng căn bản Karate là ứng dụng kỹ thuật nhuần nhuyễn trong tập luyện giữa tấn pháp và kỹ thuật. Bộ pháp (Taisabaki) rất hữu ích khi chiến đấu. Nó là sự phối hợp nhịp nhàng trong di chuyển tấn lúc tiến (Susumi Kata), lùi (Modori Kata), bước đôi, chéo, chuyển đổi (Ayumi Ashi), bước lướt (Tsugi Ashi), duỗi chân vừa bước vừa lướt (Okuri Ashi), quay sau (Ushiro Taikawashi) hoặc phương pháp di chuyển toàn thân khi thực chiến gọi là Thân pháp (Taikawashi). Khi tập luyện phối hợp thân pháp các bạn lưu ý luôn giữ thăng bằng toàn thân. Chuyển động toàn thân nhẹ nhàng mềm mại, luôn luôn giữ đúng tư thế tấn. Không được nhấc chân khỏi mặt sàn cũng như không được chà xát mạnh vào mặt sàn. Từ vùng thắt lưng trở xuống chuyển động di chuyển toàn bộ thân thể không được trồi lên thụt xuống mà phải trên một mặt phẳng nằm ngang.
3. Kỹ thuật
Mỗi một kỹ thuật (Waza) Karate đều mang tính khoa học trong tấn công cũng như tự vệ. Tùy theo vóc dạng và tâm lý của đối phương, các đòn thế Karate dù ở vị trí và tình huống nào cũng phải chủ động tương thích. Hiệu năng đòn thế của cánh tay (từ cùi chỏ đến 5 đầu ngón tay) và chân (từ đầu gối đến 5 đầu ngón chân) được phát huy tối đa khi tấn công, đỡ đòn và phản công. Cho dù bạn sử dụng đòn thế như thế nào, nó chưa có nguyên lý khoa học thì không phải của Karate. Bạn muốn đạt trình độ kỹ thuật chuyên môn cao đều phải dựa vào các yếu tố tâm lý và các nguyên lý khoa học.
4. Sức mạnh
Các kỹ thuật Karate tập trung sức mạnh để tăng hiệu năng kỹ thuật cần phải đúng lúc và đúng chỗ. Dùng mặt phẳng tiết diện nhỏ tiếp xúc thì cú đánh tác dụng càng mạnh và uy lực; Vận dụng nhiều bắp thịt thì sức mạnh càng lớn; Muốn tập trung sức mạnh tối đa trong cơ thể thì vận dụng các bắp thịt đồng chiều đỡ; Sử dụng sự hợp lực của các sức cho các bắp thịt khác nhau tác dụng; Vận dụng sức mạnh tối đa theo trình tự vận chuyển cơ bắp như bắp thịt ở bụng, hông rồi đến tay chân; Áp dụng nguyên lý vật lý để ổn định hỗ trợ và tăng sức mạnh đòn thế khi phát ra.
5. Nguyên lý vật lý
Tận dụng sức mạnh tối đa: Muốn tăng tối đa sức mạnh đòn thế phải dựa trên các yếu tố sau: Sức mạnh tỷ lệ thuận với độ co dãn bắp thịt. Độ công phá của một sức mạnh tỷ lệ nghịch với thời gian tác dụng. Ví dụ: Trong tương tác giữa hai vật A và B. Nếu A tác dụng một lực lên B, thì B cũng gây ra một lực lên A. Hơn nữa, trong tương tác, A làm thay đổi động lượng của B bao nhiêu thì động lượng của A cũng bị thay đổi bấy nhiêu theo chiều ngược lại. Trong các kỹ thuật Karate dùng cách lật tay (đỡ và chặt) dùng cách xoay hay xoắn (trong các cú đấm), xoay vặn hông (trong các cú đá) để tạo vận tốc ban đầu làm đòn mạnh hơn và thuận lợi về mặt cấu tạo các cơ. Như các bạn đã biết vì ngoài động năng tịnh tiến, còn có động năng quay của nắm đấm.
6. Nguyên lý tâm lý
Sức mạnh kỹ thuật không phải là yếu tố quyết định mà nó còn phải phụ thuộc vào yếu tố tâm lý. Một võ sĩ Karatedo đạt được những yếu tố của nguyên lý này thì sẽ mang lại thành công trong thi đấu cũng như trong đời sống: Phải giữ Tâm bình – Trí sáng – Sự hợp nhất giữa tâm trí và ý trí. Đây là một sức mạnh vô biên trong con người ngoài sức mạnh thể chất còn có sức mạnh bên trong của tinh thần. Nếu biết vận dụng hài hoà cả hai yếu tố khi tập luyện, chắc chắn chúng ta sẽ thành công, không những trong võ thuật mà còn trong cuộc sống.
7. Điều hoà hơi thở
Hơi thở đúng lúc sẽ tăng sức mạnh đòn thế và tránh gây nguy hại cho bản thân. Đối với môn võ Karate không ít người hiểu sai lệch đó là một môn võ chuyên dùng sức mạnh ngạnh công dũng mãnh, sử dụng nhiều đòn tay mà ít chú trọng sự nhu nhuyễn và hơi thở. Với quan niệm này người ta chưa hiểu đúng đắn, đầy đủ về Karate và tất cả các kỹ thuật cũng như triết lý của nó. Thực ra, trong Karate rất coi trọng điều hòa khí lực (phương pháp hô hấp Đan Điền), cương nhu rất hài hòa và cũng có bài quyền chỉ sử dụng toàn chân.
8. Các bài quyền
Nhiều trường phái Karate cổ có thể luyện tập một bài quyền đến ba năm (Hitori kata no sannen). Nhiều bài quyền (Kata) có tới hai tên gọi bởi các cao thủ Karate đã sửa tên gọi ban đầu của bài quyền đó nhằm tạo thuận lợi cho việc phổ biến chúng. Như các bạn đã biết, các bài quyền Karate không phải là các động tác múa, nó có thể là chuỗi các hành động cố định hoặc di chuyển của các kiểu tấn công và phòng thủ khác nhau. Mục đích của các bài quyền Karate là hệ thống hóa lại các đòn thế một cách khoa học được quy định sẳn để chiến đấu theo từng tình huống. Quyền của Karate không khẩu quyết thiệu văn nhưng dễ nhớ, dễ thuộc và quan trọng là người trình diễn phải hiểu đúng ý quyền và xuất xứ của nó. Mỗi một bài quyền là một trận đánh ở những trạng thái, tình huống khác nhau với những đòn thế dứt khoát, mạnh mẽ, phối hợp cương nhu hài hòa. Do đó, các bạn nên nắm bắt để việc phân thế ứng dụng của bài quyền có hiệu quả. Mỗi bài quyền của Karate đều có phương pháp ứng dụng (Bunkai) riêng và phải chiến đấu với tám (08) hướng, tưởng tượng xung quanh bạn luôn có rất nhiều địch thủ tấn công nên luôn phải năng động, sáng tạo theo tình huống. Tùy theo cấp mà học những bài quyền từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp để ứng dụng thực hành theo từng trình độ của môn sinh. Người luyện quyền phải tự kiểm soát tốc độ, sức mạnh mỗi đòn đánh, sự chuyển động, di động của toàn thân. Sự chính xác, thăng bằng, hơi thở, nguồn lực, nhịp điệu và phong cách của bạn trong mỗi bài quyền đều mang ý nghĩa riêng biệt. Trong đồ hình (Embusen) Kata của Karatedo cổ truyền kết hợp với Karatedo hiện đại ngày nay đã được chuẩn hóa rất khoa học: Bạn đang đứng bất cứ ở phương vị nào trước mặt luôn là hướng 1. Khi chấm dứt bài quyền phải trở về đúng vị trí ban đầu. Tập luyện các bài quyền của Karate là luyện tập cả tinh thần và thể xác, nó bồi bổ khí lực, làm cứng xương và cơ bắp rắn chắc. Cũng như kỹ thuật căn bản, quyền pháp ngày nay đã được các cao thủ sáng tạo và cải biên một cách khoa học.Diễn đạt một bài quyền tốt sẽ kích thích và khơi dậy tính sáng tạo trong người bạn.Khi trình diễn một bài quyền bạn phải đạt các yếu tố: Sự chuyển động, Khí pháp, Tâm pháp, Nhãn pháp, Tấn pháp, Thủ pháp, Cước pháp và Thân pháp. Nếu trình diễn một bài quyền mà vô hồn thì đó chỉ là một bài thể dục bình thường mà bất cứ ai cũng làm được. Chính vì thế bạn muốn trình diễn một bài quyền tốt là không nhầm giữa bài này sang bài khác. Lưu ý sự chuyển động, nhịp điệu, khi nhanh lúc chậm phải đúng lúc, đồng thời bạn phải lưu ý ánh mắt, thần thái. Bạn nên diễn tả cái ngoảnh mặt thanh thoát đi trước động tác và phải phù hợp với tình huống. Không những thế muốn trình diễn một bài quyền có hồn, truyền cảm bạn còn phải tìm hiểu xuất xứ đúng đắn của nó cũng như người ca sĩ muốn biểu diễn thành công phải tìm hiểu xuất xứ bản nhạc và phải có phong cách riêng. Bước đầu tập luyện quyền, bạn nên diễn tả ở mức độ thật chậm để chỉnh sửa cho chuẩn mực tấn pháp, thân pháp, đòn thế, tư thế, hơi thở trước một tấm kính (gương) lớn. Tóm lại, khi trình diễn quyền bạn nên lưu ý một số điểm sau:
>>>>> Kỹ thuật chặn và phản đòn của Karate
– Sự thể hiện chân thực ý nghĩa của bài quyền.
– Hiểu được các kỹ thuật được ứng dụng như thế nào.
– Lưu ý sự chuyển động, có nhịp điệu, tốc độ, thăng bằng, độ tập trung lực và thao tác đúng.
– Sử dụng hơi thở đúng, hợp lý để hỗ trợ cho Kime.
– Nhãn pháp chuẩn (Chankugan) và sự tập trung cao.
– Tấn chuẩn bởi trọng tâm và chân di chuyển sát mặt sàn.
– Thể hiện Đan Điền (Hara, Taden) hợp lý, không nhô lên nhô xuống khi di chuyển.
– Thể hiện kỹ thuật đặc trưng của trường phái.
Ngày nay, Kata trở thành nội dung thi đấu trong một số phong trào thể thao.
Ta có thể so sánh với hình ảnh một cối xay gió khi tiếp nhận một làn gió rất nhẹ. Bài trên nói về Phương pháp tập luyện Karate, hy vọng bài viết này hữu ích đến với bạn. Chúc bạn thành công!