Kỳ 2: Vui buồn những vòng quay
Không chỉ gặp nhau mỗi sáng hay cuối tuần, dân chơi xe đạp phong trào còn có những cảm nhận riêng về niềm đam mê của mình. Thế giới của họ luôn đầy ắp những câu chuyện thú vị nhưng cũng chất chứa không ít nỗi niềm riêng với mong muốn phong trào xe đạp phát triển mạnh hơn nữa…
Nhật ký ngày đua
Mỗi ngày đem xe ra đường tập lại mang đến cho dân chơi xe đạp phong trào một cảm giác khác nhau. Lê Nguyễn Bảo Châu kể về chuyến “hành quân” Sài Gòn – Long Hải – Vũng Tàu đầy cam go của mình: “Thứ Bảy, tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng, dằn bụng cơm nguội, 2 trái chuối, uống một ly sữa rồi quần áo chỉnh tề chạy ra Hàng Xanh (quận Bình Thạnh). Tự thấy mình yếu nên tôi tranh thủ “dọt” trước mọi người, chạy một hơi đến Long Thành (Đồng Nai) thì cảm thấy mệt bèn ghé vào uống nước mía.
Đang uống thấy anh em phóng vù vù qua, tôi liền bám theo nhưng chỉ được 1km thì đuối quá nên đành rớt lại. Mặc dù chỉ chạy tà tà giữ sức nhưng tôi lại gặp xui: bể bánh xe. Sau một hồi hì hục tự vá nhưng không được do thiếu kinh nghiệm, tôi phải nhờ bạn vá giúp. Cuối cùng tôi cũng “bò” được tới Vũng Tàu lúc 14g20. Nghỉ được một chút, đến 16g lại vác xe lên tàu về Sài Gòn, kết thúc một ngày thử sức cùng anh em”.
Các tay đua phong trào đều có đầy ắp những kỷ niệm sóng gió như thế. Lần đầu tiên mua được chiếc xe đạp, khi ra chơi, Nguyễn Minh Tâm (quận 7) đạp rất hăng hái. Thấy tốp anh em chạy phía trước, Tâm tăng tốc bám theo nhưng khi vừa nhập tốp thì “cái đầu cứ muốn đạp mà sao cái chân nó không cử động được”. Do đó, anh chàng đành lặng lẽ tách ra ngoài, ngồi tự xoa bóp đôi chân cho hết đau rồi đạp xe từ từ… trở về. Đào Quang Thi – ông chủ garage ở Bình Thạnh – tự hào kể về lần đầu tiên mình đạp xe từ TPHCM về nhà ở Tiền Giang khiến cả nhà “lác mắt”.
Do lúc nhỏ không chơi thể thao, gia đình lại không biết anh mê và chơi xe đạp nên sau nhiều ngày tập luyện, anh quyết tâm leo lên xe chinh phục đoạn đường TPHCM – Mỹ Tho (Tiền Giang) với chiều dài gần 100km. Về tới nhà, anh dắt xe vào cổng, má anh ra xem thì thấy một “người lạ” bước vào với trang phục cuarơ, mặt mũi lại lấm lem bụi đường. Tưởng người này xin nước uống, bà định quay vào lấy thì bất ngờ nghe thấy: “Con nè, má không nhận ra con hả”…
Những cuộc chinh phục bằng xe đạp luôn mang đến cho các tay đua phong trào nhiều kỷ niệm với những dư vị đẹp như vậy. Quan trọng hơn, họ đã chiến thắng bản thân khi làm được những việc mà cả họ cũng khó hình dung mình có thể chinh phục được.
Nơi khởi đầu cho những tài năng
Tuyển thủ trẻ Mai Nguyễn Hưng (Dofilm TPHCM) đang được xem là một tay đua nhiều triển vọng của xe đạp Việt Nam. Ít ai biết Hưng cũng xuất phát từ một tay đua phong trào. Mới 13 tuổi, Mai Nguyễn Hưng đã sáng sáng vác chiếc xe cà tàng ra đường tập với các chú trong đội lão tướng quận 8 để được hướng dẫn những kỹ năng đua xe đạp cơ bản. Một Mai Nguyễn Hưng mạnh mẽ và đầy khát vọng trên đường đua hôm nay đã được “ra đời” từ những điều đơn giản ấy.
Giới xe đạp phong trào TPHCM đang xôn xao bàn tán về sự thăng tiến rất nhanh của tay đua nhí nhất đang sinh hoạt trong hội: Nguyễn Lưu Thanh Nhân. Mới 14 tuổi nhưng Nhân đã có gần 2 năm kinh nghiệm chơi phong trào. Đáng mừng là sau nhiều lần ra “dợt” với các anh, các chú, từ một tay đua yếu ớt, giờ đây Nhân đã khiến mọi người muốn phát khiếp khi phải đeo bám cu cậu ở tốp đầu.
Năm ngoái, phát hiện tài năng của Nhân, một HLV chuyên nghiệp đã cho Nhân vào đội thi đấu. Tuy nhiên mới đua được 2 chặng, cu cậu bị trọng tài bắt bỏ cuộc vì chưa tới tuổi thi đấu. Đáng khâm phục là ngay ở lần đầu tiên ra đua, Nhân thể hiện được khả năng đeo bám của mình khi không bị bỏ cuộc trong 2 chặng tham dự. Hiện Thanh Nhân đang được một số CLB để mắt nhằm đưa về thi đấu khi đủ tuổi.
Thế đấy, sân chơi đậm chất “vui, khỏe” này không chỉ là một nét đẹp thể thao, mà còn là điểm khởi đầu cho những tài năng xe đạp. Trương Quốc Thắng – cựu vô địch châu Á – bây giờ cũng trở thành thành viên thân thiết trong hội đua phong trào TPHCM.
Mỗi cuối tuần rảnh rỗi, Thắng lại đem xe ra “đồng hành” cùng anh em vì sự có mặt của anh làm không khí “đường đua” vui hơn hẳn. Không những vậy, bằng kinh nghiệm của mình, Trương Quốc Thắng còn truyền thụ cho mọi người chút kỹ năng để họ càng thấy chơi xe đạp là một cuộc khám phá, vượt qua chính bản thân mình.
Cần một sân chơi cho dân xe đạp phong trào
Mối quan tâm và cũng là sự khao khát của các tay đua phong trào khắp quận, huyện TPHCM là có được các giải phong trào để dân amateur thi thố tài năng. Tuy nhiên, điều mong ước xem ra nhỏ nhoi đó còn khá xa vời, bởi mỗi năm ở TPHCM chỉ có mỗi giải phong trào do quận 7 tổ chức, còn lại các anh em phải hành quân đi Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu để tham dự.
Anh Nguyễn Minh Tuấn (Hội Phú Mỹ Hưng, quận 7) cho biết: “Để tổ chức một giải phong trào không khó, trong khi anh em chơi phong trào tại TPHCM lại rất đông. Vì thế, hy vọng bộ môn xe đạp TP để tâm đến, tổ chức cho anh em một giải phong trào toàn thành để khỏi nhìn các tỉnh bạn tổ chức rồi mình vừa đi tham dự mà vừa… thèm”.
Như vậy, việc tổ chức một giải để dân phong trào có dịp thi thố tài năng là nhu cầu có thực. “Nếu mỗi năm có vài giải, tôi nghĩ anh em sẽ tập hăng say hơn, người chơi xe đạp cũng tăng lên, qua đó sẽ xuất hiện nhiều hơn những tài năng cho xe đạp TP”, một hội viên phong trào Phú Nhuận chia sẻ.
Không chỉ sinh hoạt ở địa phương, các tay đua phong trào khắp thế giới còn kết nối với nhau qua diễn đàn www.xedap.org. Vào đây, bạn không chỉ nắm bắt được tình hình sinh hoạt của các đội phong trào TPHCM, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hà Nội…, mà còn của tận các nước xa sôi như Mỹ, Úc, Canada.
Diễn đàn là nơi để dân mê xe đạp trao đổi, học hỏi hướng dẫn cặn kẽ cho nhau về cách sử dụng xe, cách mua xe, cách sửa xe cho tới cách chạy và bảo dưỡng xe.
MÁCH BẠN
Một điều mà dân chơi xe đạp phong trào không thể không quan tâm là các địa điểm bán phụ tùng cũng như tiệm sửa xe đạp. Chúng tôi xin cung cấp cho bạn một số tiệm có uy tín tại TPHCM:
+Hùng An Đông:
Địa chỉ: 20/2 Sư Vạn Hạnh (quận 5).