Thể thao & Cuộc sống — April 25, 2016 at 9:37 am

“Quay nhanh” những bánh xe… phong trào

by
Rate this post

Gần đây, phong trào chơi xe đạp thể thao đang phát triển rầm rộ ở TPHCM và nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Không những thế, dân mê xe đạp phong trào còn “kết nối” với nhau ra tận nước ngoài thông qua những diễn đàn trên mạng. Xem ra, tập luyện thể thao bằng cách đạp xe ngoài đường không chỉ giúp người chơi tăng cường sức khỏe, mà đó còn là cái thú mà chỉ khi dấn thân vào thế giới này bạn mới hiểu hết.

KỲ 1: ĐỔ XÔ ĐI LÀM… CUARƠ

Thực tế dẫu có sôi động nhưng nghe có vẻ nghịch lý này lại đang diễn ra ngay tại TPHCM – trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Tại đây, số lượng người chơi xe đạp phong trào đang tăng cao hơn bao giờ hết.

Ra ngõ gặp cuarơ
Có dịp ra đường phố ở TPHCM vào lúc tờ mờ sáng, ngoài những chuyến xe hối hả đổ về các trung tâm mua bán, hình ảnh đập vào mắt người đi đường là các “tay đua” được trang bị đầy đủ từ áo quần đến phụ tùng của cuarơ thứ thiệt, đang đạp xe thong thong dong trên phố. Một người bạn nói nhỏ với tôi: “Họ đang ra điểm tập kết đấy”.

Ở TPHCM hiện có 3 nhóm xe đạp phong trào chơi xôm tụ nhất là nhóm Phú Mỹ Hưng (quận 7), nhóm Sân bay (Phú Nhuận) và nhóm Xa lộ Hà Nội (quận 2). Các nhóm này tập hợp đủ mọi thành phần từ công nhân, trí thức, cựu VĐV đến doanh nhân và hoạt động rất có quy củ. Muốn tham gia cuộc chơi vào các ngày trong tuần, bạn chỉ việc đạp xe ra đường Trường Sơn (khu sân bay) nhập nhóm ngồi tán dóc ở quán cà phê góc đường, sau đó cùng nhau “đua” trên phố. Cuối tuần rảnh rang, bạn có thể bỏ thêm chút thời gian đạp ra Phú Mỹ Hưng (quận 7), nơi có đại lộ Nguyễn Văn Linh thoáng đãng để tha hồ “đua” với anh em. Nếu máu mê và mạo hiểm một chút, bạn nên đạp ra chân cầu Sài Gòn mỗi sáng và làm chuyến đi xa (có khi tới tận Vũng Tàu) cùng nhóm chơi tại đây.

Nhóm đua phong trào Sài Gòn  - Ảnh: Hoàng Quỳnh
Nhóm đua phong trào Sài Gòn  – Ảnh: Hoàng Quỳnh

Ngoài những tay đua phong trào chơi “có hội có hè”, hiện nay còn xuất hiện nhiều tay đua tự do. Do bị động về thời gian nên các tay đua tự do này chỉ chạy loanh quanh ở nội thành vào sáng sớm với lộ trình ngắn hơn. Đào Quang Thi – một chủ garage ở Bình Thạnh – cho biết: “Sáng nào tôi cũng tranh thủ vác xe làm một vòng sau đó về làm việc. Nghe nói anh em các hội chơi vui lắm nhưng chẳng có thời gian để tham gia. Chơi một mình buồn hơn nhưng cũng thoải mái vì thích chạy thì chạy, mệt thì quay xe về, khỏi làm phiền ai”.

Chơi theo cách của mình
Bác Nguyễn Nhật Minh – một thành viên trong nhóm Xa lộ Hà Nội – cho biết: “Phong trào chơi xe đạp ở TPHCM có từ lâu rồi nhưng số lượng không đông đảo như hiện nay. Bây giờ, một số anh em có điều kiện kinh tế bắt đầu lo cho sức khỏe nên thay vì tập tạ, cầu lông thì đem xe đạp ra chạy như hình thức tập thể dục. Trước kia tôi cũng đâu có ham, từ ngày thấy các cuarơ chuyên nghiệp đi tập ngang đường trông oách quá, vậy là lân la dò hỏi và biết có những hội phong trào, thế là tham gia”. Lê  Nguyễn Bảo Châu – một “ma” mới trong hội chơi xe đạp phong trào – lại đến với xe đạp và mê mẩn với nó theo cách khác. Là chủ quán cà phê ngay tại quận 1, vốn không mê môn chơi này nhưng thấy xe của các tay đua chuyên nghiệp đẹp quá, anh Châu lân la tới hỏi thăm từ giá xe, hiệu xe tới cách chăm sóc, sử dụng… Không ngờ chỉ sau vài lần nghe ngóng, anh đã bị mê hoặc bởi những chiếc xe này và quyết mua bằng được một chiếc để chạy. Từ chiếc xe đầu tiên mua từ Trung Quốc với giá 8,5 triệu đồng, vừa qua anh đã nâng cấp cho thú chơi của mình bằng chiếc Blue RC7 (Mỹ) có giá tới 55 triệu đồng.

Nghỉ uống nước mía dọc đường đi tập
Nghỉ uống nước mía dọc đường đi tập

Tuy nhiên, không phải có tiền mua xe xịn mới có thể ra chơi cùng anh em. Trong các hội xe đạp hiện tại, mỗi người tùy tình hình kinh tế, tùy sở thích mà sắm cho mình những chiếc xe có chất lượng, mẫu mã khác nhau. “Xe xịn, mẫu mã đẹp thì ai cũng muốn, nhưng có nên đầu tư cho nó không khi mà tiền lo cho những chi tiêu trong gia đình của mình còn chưa đủ?”, một cuarơ phong trào xác định tiêu chí chơi của mình. Do vậy trong các tốp ra chạy buổi sáng, bên cạnh những chiếc láng coóng, đắt tiền, người ta còn thấy một số người vẫn băng băng tăng tốc trên chiếc xe đầm. “Anh em quý nhau ở niềm đam mê và cũng vì sức khỏe chứ có ai nhìn mặt, nhìn xe để chọn bạn mà chơi đâu”, anh Bảo Châu tâm sự. Cũng vì thế ai cũng thán phục một chàng thanh niên tên Thành “thợ hồ” trong hội. Không có tiền mua xe xịn, Thành vác chiếc đạp đầm ra chạy với anh với niềm đam mê vô hạn khiến ai cũng nể phục. Hay như bác Thi “râu”, dù đã 73 tuổi và có thân hình không lành lặn do một lần đạp xe tập thể dục ngoài xa lộ bị xe tải va quẹt, nhưng bác vẫn không bỏ niềm đam mê của mình. Không những vậy, khả năng đạp xe của bác Thi còn được dân trong hội phong lên hàng “thứ dữ”.

Ngày càng đông người chơi, vì sao?
Chưa phải là môn thể thao được ưa chuộng như bóng đá, bóng chuyền, tennis…, lại là môn chơi cũng tương đối tốn kém nhưng sức hút của xe đạp ngày càng lớn. Một số người lý giải: “Xăng tăng giá, không có tiền đổ xăng đành đi xe đạp vậy”. Và đó cũng là thực trạng rộ lên gần đây: các hãng xe đạp đều “cháy” hàng bởi số lượng người mua khá đông. Tuy nhiên, đa phần dân chơi phong trào không suy nghĩ như vậy: Họ xem việc đạp xe tập thể dục mỗi sáng là một phương pháp giữ gìn sức khỏe rất hữu hiệu, quan trọng hơn là họ có niềm đam mê đối với môn thể thao này. Có dịp góp mặt cùng các tay đua này vào mỗi sáng, bạn không khỏi bất ngờ bởi những kiến thức về xe đạp mà dân phong trào có được, ví dụ như tình hình ở đội tuyển QG hay trình độ các tuyển thủ Việt Nam xưa và nay. Với dân mê xe đạp này, không có loại xe “thượng vàng hạ cám” nào mà họ không biết. Anh Dũng Thanh – một thành viên lâu năm ở hội Phú Mỹ Hưng – tâm sự: “Lúc đầu mình đem xe ra chơi, nghe người ta bàn chuyện xe cộ chẳng hiểu gì hết. Dần dà cũng thắc mắc và nhờ đó mới biết thêm nhiều hãng xe đạp tên tuổi kèm với ưu điểm của mỗi dòng xe, hãng xe”.

 

Leave a Comment

Your email address will not be published.