Thể thao & Cuộc sống — April 25, 2016 at 9:46 am

Sân bóng đá cỏ nhân tạo: Cung không đủ cầu

by
Rate this post

“HÚT HÀNG” DO ĐÂU?
Bất kể thời gian nào trong ngày, hễ có mặt tại sân bóng đá cỏ nhân tạo nào, bạn sẽ bất ngờ bởi không biết “người chơi ở đâu mà nhiều thế”. Anh Nguyễn Trọng Thi (quản lý sân cỏ nhân tạo NVH Thanh Niên) cho biết, đối tượng đến chơi đông nhất là nhân viên các doanh nghiệp, sau đó là sinh viên và học sinh. Từ ngày có sân cỏ nhân tạo, rất đông doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đã thành lập đội bóng tập luyện, thi đấu giao hữu hàng tuần (do những sân bóng đá khác đều không thể đá ban đêm). “Công ty chúng tôi không có đông nhân viên, chỉ đủ thành lập đội bóng 5 người và sân mini cỏ nhân tạo thích hợp nhất”, anh Nguyễn Phước Đức (PGĐ công ty Đất Lành nói về đội bóng của công ty những ngày mới ra đời. Từ sân chơi 5 người, đến nay công ty đã có thêm đội bóng 11 người nhưng vẫn giữ nếp sinh hoạt bóng đá ở sân mini cỏ nhân tạo.

Với tình trạng khan hiếm sân bóng đá, nhất là ở nội thành đất chật người đông, việc xuất hiện các sân cỏ nhân tạo đã góp phần giải cơn “khát” cho những người đam mê môn thể thao vua này. “Trước kia, muốn chơi đá bóng tụi em phải từ quận 1 chạy ra tận Thanh Đa (Bình Thạnh), Phú Thọ (quận 10) hay Thủ Đức…, còn bây giờ từ trường chỉ đi một đoạn là có thể đá bóng thoải mái”, bạn Phan Quang Kim – sinh viên trường ĐH KHXH&NV – cho biết. Phần đông sinh viên, học sinh mê bóng đá cũng rơi vào tình trạng tương tự khi sân cỏ nhân tạo chưa ra đời, nhiều lúc phải mang banh ra công viên, vỉa hè chơi trong tình trạng nguy hiểm rình rập.

Về cảm giác khi thi đấu trên mặt sân cỏ nhân tạo, Phan Quang Kim cho biết: “Lúc đầu mới chơi trên sân cỏ nhân tạo em thấy kỳ lắm, bóng nảy cao hơn bình thường, mặt sân có vẻ trơn, nhưng chơi riết lại thấy sướng ở chỗ mặt sân rất êm và… không phải đi lượm banh vì có lưới bao quanh”. Còn về chất lượng các sân cỏ nhân tạo, anh Dương Quang Ân (kỹ sư xây dựng công ty TNHH Tân Tiến) cho biết: “Ngoài các sân do công ty Thành Lâm cung cấp cỏ, đá tương đối tốt, các mặt sân cỏ của các công ty còn lại đường bóng khó chuẩn, độ nảy cũng không như ý bởi mặt cỏ hơi cao”.

Năm 2004, sân bóng đá cỏ nhân tạo đầu tiên xuất hiện ở TPHCM nằm trong khu vực sân bi sắt hồ Kỳ Hòa (quận 10) thu hút đông đảo người chơi cả ngày lẫn đêm. Đến nay, dù hàng loạt sân cỏ nhân tạo liên tiếp mọc lên nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu người chơi.

Trận chung kết bóng đá nhi đồng quận 5 gặp quận 10 trên sân cỏ nhân tạo tại TT Thành Long  - Ảnh: DƯ HẢI
Trận chung kết bóng đá nhi đồng quận 5 gặp quận 10 trên sân cỏ nhân tạo tại TT Thành Long  – Ảnh: DƯ HẢI

Khác với các sân cỏ hay cát, sân cỏ nhân tạo có thể “cày” liên tục mà hầu như không xuống cấp, ngay cả khi trời mưa. Do đó, bạn có thể an tâm thi đấu thường xuyên mà không sợ mỗi khi đến sân phải bắt gặp thông báo gây cụt hứng: “Sân hiện đang cải tạo, mong quý khách ghé lại sau”.

CHUYÊN GHI TỪ SÂN BÓNG NHÂN TẠO
“Kèm thằng Quang bên cánh phải kìa”, “Thằng này sức yếu quá, lo về tập thêm thể lực đi”, “Ê, cho anh vô đá tí coi”… là những câu chỉ đạo, than trách, năn nỉ vui nhộn mà chúng tôi kịp ghi lại trong trận đấu giao hữu giữa hai doanh nghiệp tại sân cỏ nhân tạo Thành Long. Còn những chuyện như anh chàng GĐ một khách sạn mê đá bóng nhưng cái vòng… bụng to quá, chỉ chạy được vài phút rồi năn nỉ được thay ra hay chuyện nhân viên “quạt” cả sếp, vì “Đá dở quá, nói thay ra không chịu” thì diễn ra như cơm bữa. Một GĐ công ty TNHH cho biết: “Có vác giày vào sân thi đấu với nhau mới hiểu hết tính tình của bạn bè, đồng nghiệp”.

Chủ nhật nào cũng vậy, sân cỏ nhân tạo NVH Thanh Niên (TPHCM) trở thành nơi “họp đồng hương” của các ông chủ người Hàn Quốc làm việc tại Bình Dương, Đồng Nai. Họ đăng ký sân từ 7 – 9 giờ tối và chở cả gia đình đi đá bóng. Trong sân các đức ông chồng tranh tài với nhau, còn ở ngoài lực lượng cổ động viên là vợ, con la hét cổ vũ tạo nên không khí vui chơi đầm ấm. Sau trận đấu, tận dụng mặt sân cỏ nhân tạo “xanh, sạch, đẹp”, những thành viên này ngồi lại với nhau vừa nghỉ ngơi, vừa nhâm nhi vài món ăn nhẹ tự mang theo. Anh Lee Hyo Suk (nhân viên kỹ thuật công ty máy tính Hàn Quốc) cho biết: “Trước kia, vào mỗi cuối tuần, chúng tôi thường đi chơi bóng chày tại quận 7 hoặc cùng bạn bè đánh golf ở Thủ Đức. Tuy nhiên, bạn bè đồng hương người sống và làm việc ở TPHCM, người ở Bình Dương, Đồng Nai hay Vũng Tàu… nên khó tập hợp nhau lại. Tình cờ, một người bạn đi ngang NVH Thanh Niên thấy sân bóng về mách lại, từ đó chúng tôi quyết định dành ngày nghỉ cuối tuần để thư giãn với trái bóng tại đây”.

TRIỂN VỌNG TỪ SÂN CHƠI BÓNG ĐÁ CỎ NHÂN TẠO
Chưa dừng lại ở số lượng sân cỏ nhân tạo như hiện nay, một số nơi trong TPHCM đang lên kế hoạch “phủ sóng” sân cỏ nhân tạo trên khắp quận, huyện do nhu cầu chơi rất cao. Từ sân chơi này, chúng ta có quyền hy vọng vào những tài năng tương lai cho bóng đá TPHCM. Tuy vậy, điều đáng buồn là hiện các chủ sân mới chỉ lo cho thuê sân kiếm lợi nhuận, trong khi các trung tâm TDTT có sân đóng trên địa bàn chưa chú trọng đào tạo cầu thủ từ sân chơi này.

CLB bóng đá Phú Nhuận là nơi đầu tiên mở lớp đào tạo cầu thủ nhí trên sân cỏ nhân tạo vào những ngày cuối tuần. Đến sân bóng đá cỏ nhân tạo Phú Nhuận, các em được làm quen với luật thi đấu, các kỹ thuật cơ bản… với chi phí chỉ 80.000 đồng/tháng. Chưa dừng lại ở đó, hiện CLB đang xúc tiến làm thêm 2 sân bóng đá nhân tạo nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Hy vọng từ điển hình Phú Nhuận, các nơi khác cũng quan tâm đến công tác đào tạo trẻ nhằm ươm mầm tài năng cho bóng đá TPHCM.

Leave a Comment

Your email address will not be published.