Cờ vây — May 16, 2016 at 7:40 am

Tổng quan 7 danh hiệu lớn của môn cờ vây Nhật Bản

by
Rate this post

Môn thể thao cờ vây rất được phát triển tại Nhật Bản. Cho dù cờ vây có xuất xứ ở Trung Quốc nhưng chính Nhật Bản mới là quốc gia đưa cờ vây lên đến vị thế mà nó xứng đáng đạt được. Bài này nói về Tổng quan 7 danh hiệu lớn của môn cờ vây Nhật Bản bạn có thể tham khảo qua.

Sơ lược về lịch sử

Trước thế kỷ 20, các danh hiệu trong cờ vây thường không được giành lấy thông qua các giải đấu, mà được truyền đời trong các trường cờ (go house), mà lớn nhất là trường cờ Honinbo. Đặc biệt, danh hiệu cao quý nhất của cờ vây Nhật Bản là Meijin (Master – Kỳ Nhân) thì được chính các Shogun truy phong, xem như là kỳ thủ xuất sắc nhất trong thời đại của mình. Nhiều người đứng đầu các trường cờ cũng đồng thời được phong là Meijin.

Honinbo Shusaku
Honinbo Shusaku

Ngoài những danh hiệu chính thức, để tỏ lòng kính phục, giới cờ vây cũng đồng lòng gọi một số kỳ thủ có sức cờ vượt bậc là Kisei (Kì thánh), đó là Honinbo Dosaku, Honinbo Shusaku (một số tài liệu cho thêm vào Honinbo Jowa)

Đó là nguồn gốc của 3 danh hiệu lớn nhất Nhật Bản hiện tại, Kisei, Meijin và Honinbo.

Chuyển biến vào đầu thế kỷ 20

Cuối thế kỷ 19, chế độ Mạc phủ chấm dứt và cờ vây Nhật Bản mất đi nguồn bảo trợ vững chắc, tuy thế, trường cờ Honinbo vẫn tồn tại và phát triển cho đến năm 1940, khi Honinbo Shusai (người cuối cùng đứng đầu trường cờ Honinbo) quyết định tặng (hoặc bán) danh hiệu này cho Nihon Ki-in và kết thúc lịch sử hàng trăm năm của trường cờ danh giá này.

Danh hiệu Honinbo từ năm 1941 được tái xây dựng lại theo hình thức một giải đấu tranh danh hiệu. Trong đó người đang giữ danh hiệu sẽ chơi loạt 7 trận với người thách đấu danh hiệu (chiến thắng từ vòng bảng) để quyết định ai sẽ là Honinbo trong năm đó. Đây là danh hiệu lâu đời nhất của cờ vây hiện đại và vẫn được duy trì đến nay.

Honinbo Shukaku (trái) vs Sakata Eio trong trận tranh danh hiệu Honinbo lần thứ 16
Honinbo Shukaku (trái) vs Sakata Eio trong trận tranh danh hiệu Honinbo lần thứ 16

Một thời gian sau, năm 1961, giải đấu để quyết định ai là người mạnh nhất trong giới cờ vây được tài trợ bởi Yomiuri Shimbun (Yomiuri Newspaper) và tất nhiên nó phải có tên là Meijin. Năm 1975, Asahi Shimbun thành công trong việc mua lại quyền tài trợ giải đấu này, và Yomiuri bắt tay xây dựng một giải đấu lớn nữa, thế là danh hiệu Kisei ra đời.

4 danh hiệu còn lại trong 7 danh hiệu lớn bao gồm Oza (Vương Tọa), Tengen (Thiên Nguyên),Judan (Thập Đẳng) và Gosei (Tương tự Kisei- Kì thánh) cũng lần lượt ra đời với hình thức thi đấu tương đối giống với giải Honinbo. Tất cả 7 danh hiệu này đều được tài trợ bởi các tờ báo lớn của Nhật Bản.

Thông tin tổng quan về 7 danh hiệu

Dưới đây là bảng thống kê và các thông tin quan trọng về các danh hiệu trên.

Tên danh hiệu Năm bắt đầu Kỳ thủ thắng lần đầu Tiền thưởng ước chừng Kỳ thủ đang giữ (2016)
Kisei 1977 Fujisawa Shuko 505.000$ Iyama Yuta
Meijin 1962 Fujisawa Shuko 400.000$ Iyama Yuta
Honinbo 1941 Riichi Sekiyama 350.000$ Iyama Yuta
Judan 1962 Utaro Hashimoto 164.000$ Ida Atsushi
Oza 1953 Utaro Hashimoto 153.000$ Iyama Yuta
Tengen 1975 Fujisawa Shuko 153.000$ Iyama Yuta
Gosei 1976 Kato Masao 84.000$ Iyama Yuta

Các bạn có thể thấy cái tên Iyama Yuta xuất hiện trên tổng số 6/7 danh hiệu, đây là một kỳ công mà chưa kỳ thủ nào từng đạt được từ khi 7 giải đấu này ra đời, Iyama vẫn đang trên con đường chinh phục nốt danh hiệu cuối cùng. Chúng ta sẽ quay lại với Iyama Yuta sau này.

Iyama Yuta (phải) vs Cho U tại trận tranh danh hiệu Meijin
Iyama Yuta (phải) vs Cho U tại trận tranh danh hiệu Meijin

Fujisawa Shuko chiến thắng giải Kisei đầu tiên và giữ nó liên tục trong 6 năm, ông nổi tiếng với rất nhiều giai thoại, trong đó có việc trở thành người vô địch ở các lần đầu tiên của các giải đấu (kể cả ngoài 7 danh hiệu này). Hashimoto Utaro lại nổi tiếng vì ông là người thành lập và bảo trợ về mặt danh tiếng cho Kansai Ki-in nhờ dành khá nhiều danh hiệu về cho Kansai Ki-in vào những ngày đầu.

Danh hiệu danh dự

Để ghi tên một số kỳ thủ đáng chú ý trong các giải đấu này, Nihon Ki-in đặt ra một điều luật, những ai giữ một trong những danh hiệu trên ít nhất 5 năm sẽ được phong tặng danh hiệu danh dự (Honorary Tittle). Dưới đây là bảng vàng các kỳ thủ đã ghi tên mình vào lịch sử:

Honorary Kisei: Fujisawa Shuko, Kobayashi Koichi
Honorary Meijin: Cho Chikun, Kobayashi Koichi
Honorary Honinbo: Takagawa Kaku, Sakata Eio, Cho Chikun, Ishida Yoshio
Honorary Tengen: Rin Kaiho
Honorary Oza: Kato Masao
Honorary Gosei: Otake Hideo, Kobayashi Koichi

Các nhân vật trong Hikaru No Go

Để kết thúc bài viết khá dài và lắm thông tin này, chúng ta cùng điểm qua một số gương mặt đáng chú ý trong Hikaru No Go đã dành được ít nhất 1 trong 7 danh hiệu nói trên.

Touya Kouyo

Là nhân vật được xem như đỉnh cao của cờ vây thế giới, cha của Touya Akira. Ông giữ 4 danh hiệu trong số trên đó là Meijin, Kisei, Judan, và Tengen. Ông được tất cả mọi người gọi là “ngài Kỳ nhân” có lẽ vì ông giữ danh hiệu Meijin (Kỳ nhân) đã khá lâu. Về sau ông quyết định giải nghệ về các danh hiệu này được chia ra cho các kỳ thủ lứa sau.

Honinbo (Bản nhân phường) Kuwabara

Tác giả bộ truyện khá vui tính khi cho một kỳ thủ lớn tuổi giữ danh hiệu Honinbo. Honinbo, phiên âm Bản nhân phường, là tên một ngôi chùa ở nơi sinh thành của vị Honinbo đời đầu,Honinbo Sansa. Lịch sử của tên gọi này đã trải dài hơn 400 năm.

Oza (Vương tọa) Zama

Nhân vật có một chút phản diện trong truyện là Vương Tọa (Oza) Zama (Vương tọa nghĩa là ngai vàng, Throne). Ông đối đầu với Touya Akira ở phần đầu truyện và đã “ăn hiếp” được Akira vào phút chót.

Ngoài ra hình như còn một số nhân vật khác cũng được nhắc đến là có giành danh hiệu sau khi Touya Kouyo nghỉ hưu, tuy thế các nhân vật này không được khắc họa rõ ràng lắm nên không kể ra ở đây.

Ngoài môn cờ ra, còn những môn cờ khác để bạn cũng có thể chơi mà học như cờ vua, cờ tướng… để thấy được sự thay đổi các cách chơi đối với từng loại cờ. Dưới đây là Tổng quan 7 danh hiệu lớn của môn cờ vây Nhật Bản, hy vọng bài viết cung cấp đủ kiến thức cho bạn.

Theo blogcovay

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *