Vovinam — May 28, 2016 at 7:15 am

Chiến lược phát triển bền vững Vovinam

by
Rate this post

Hơn hai thập niên đã trôi qua, kể từ giải Vovinam toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức thành công, đồng nghĩa với các hoạt động của Vovinam dần dần được hợp thức hóa về tính pháp lý sau thời gian dài “đóng băng”. Đến nay, các hoạt động của môn phái từng bước phát triển và mở rộng ra nhiều quốc gia trong khu vực và cả trên thế giới.

Song song với bước phát triển mạnh mẽ ấy, các tổ chức quản lý cũng theo đó hình thành. Phương tiện truyền thông thời hiện đại cũng đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển nhanh chóng này. Thế giới đã biết nhiều hơn về Vovinam, một môn võ có xuất xứ từ đất nước Việt Nam và do một người Việt Nam sáng lập ra cách nay đã gần một thế kỷ.

Tại quốc nội, chính phủ cũng đã cho phép thành lập Liên đoàn các cấp, từ địa phương cấp tỉnh, thành phố đến cấp trung ương, tạo điều kiện phát triển cho Vovinam bước ra đấu trường quốc tế. Đó là những kết quả đầy phấn khởi.

Trong giai đoạn mới hình thành, Vovinam đã có được một hệ thống khá hoàn chỉnh về kỹ thuật. Hệ thống tư tưởng võ đạo dần dần được hoàn chỉnh chủ yếu từ giữa thập niên 1960 đến giữa thập niên 1970. Trong đó có cả yếu tố nhân lực phụ trách công tác quản lý rất ổn định và đầy bản lĩnh lãnh đạo, chỉ huy.

Sau khi 2 vị lãnh đạo tối cao của môn phái lần lượt qua đời thì hệ thống lãnh đạo môn phái cũng rơi vào tình huống đặc biệt khó khăn! Vovinam các tỉnh thành gần như hoạt động độc lập, ngoài sự “giám sát thủ tục” của Liên đoàn võ thuật cấp tỉnh và Liên đoàn Vovinam Việt Nam từ xa. Thậm chí một số nơi rơi vào tình trạng thả nổi! Một số phong trào khác tự phát khác muốn phát triển lại thiếu cơ sở hỗ trợ, “dưới với lên không tới trên thò xuống không xong! “ (tình trạng hiện nay ở các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp và một số tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ )

img_0083

Mặc dù về mặt pháp lý thì Liên đoàn Vovinam Việt Nam đã được thành lập hồi tháng 10 năm 2007, tạo điều kiện thuận lợi lớn về mặt phát triển môn Vovinam trên cả quốc nội và quốc tế. Song với tư cách pháp nhân của Liên đoàn cũng không thể làm thay môn phái về lĩnh vực chuyên môn, mà họ chỉ tạo một lực đòn bẩy để Vovinam vươn xa mà thôi.

Trong khi đó, hệ thống kỹ thuật của Vovinam thì vẫn giậm chân tại chỗ nếu không nói là có khá nhiều chi tiết không còn phù hợp với tình hình thực tại!

Bản chất kỹ thuật đòn thế của Vovianm từ thủa sơ khai là nhằm mục đích rèn luyện sức khỏe và tự vệ (phòng thân). Từ 1964 mới có giao đấu tự do, vật khi thi thăng đai. Đến đầu thập niên 1990, thi đấu đối kháng ở một giải thi đấu mới xuất hiện để chuyển mình để trở thành môn võ thể thao và hòa nhập với đấu trường quốc tế. Dù vậy, vận dụng những kỹ thuật, bài bản của Vovinam vào thi đấu đối kháng như thế nào thì vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ!

Các màn biểu diễn lạ mắt ở những thời điểm mới xuất hiện lần đầu trước công chúng, thì đến nay đã nhàm chán và đôi khi gây phản cảm đối với những pha hài hước không đáng có và những màn biểu diễn đòn chân cơ bản có phần thái quá, trở nên phản khoa học gây ra những phản ứng không chỉ trong khán giả mà ngay trong hàng ngũ võ sư !

Bên cạnh đó, một số bài quyền của Võ cổ truyền Việt Nam bấy lâu được đưa vào chương trình tập luyện Vovinam dưới dạng bảo tồn, nghiên cứu và phát triển, nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở phạm vi bảo tồn! Sau gần nửa thế kỷ trôi qua chưa có một bài quyền nào ở dạng này được nghiên cứu, phân tích thành công! Do vậy đã kéo theo các hệ lụy khác tạo nên dư luận bất lợi cho Vovinam.Thiết nghĩ Vovinam nên đưa các bài quyền này ra khỏi hệ thống huấn luyện và thi cử, mà chỉ dành để các võ sư nghiên cứu mà thôi.

Quy lệ của môn phái được ban hành từ năm 1964, có 11 Chương và 99 điều, đến nay do sự phát triển của xã hội, đã có những điều khoản không còn phù hợp! Vovinam hoàn toàn có thể căn cứ vào “ điều 97, 98 và 99 của Chương thứ 11” có thể sửa đổi để thích nghi với hoàn cảnh hiện tại.

Việc tu chính là rất cần thiết bởi đã có nhiều mục cần thay đổi để phù hợp với tình hình mới, trong đó có cả danh xưng và hệ thống đai đẳng cùng những ràng buộc thiếu thực tế. Có thể đơn cử như quy định trình luận án khi thi thăng cấp từ Chuẩn hồng đai trở lên. Đó là một quan điểm tích cực về mặt phát triển. Nhưng trên thực tế, Ban giám khảo có vẻ lúng túng trong công tác thẩm định luận án võ học và nhiều luận án chỉ mang tính hình thức chứ chưa phát huy tác dụng. Luận án phải có sự sáng tạo, nếu chưa đảm bảo được điều này thì chỉ là một khóa luận. Vậy hãy trả về đúng với thực chất của nó, nếu cần thiết thì quy định lại cấp nào chỉ cần khóa luận và cấp nào thì cần luận án, v.v.

Hội đồng Võ sư chưởng quản cũng cần hình thành Ban Nghiên cứu lịch sử Vovinam và Ban Nghiên cứu kỹ thuật Vovinam để sớm cập nhật các diễn biến, sự kiện và những thay đổi của môn phái trong vài thập niên gần đây vào tài liệu lý thuyết võ đạo, cùng với việc tiến hành hệ thống, biên lược lịch sử môn phái trước khi các chứng nhân lịch sử không còn và các nguồn dữ liệu về Vovinam sẽ đi vào bế tắc.

>>>> Sức mạnh và độ sát thương các bài quyền pháp Vovinam

Thời gian từ đầu thế kỷ 21 đến nay, số lượng võ sư tăng lên gấp nhiều lần so với trước đây, theo đó các võ sư trẻ có trình độ học vấn và kỹ thuật chuyên môn tốt cũng đã phát triển đáng kể cho thấy đội ngũ kế thừa đã sẵn sàng. Trong khi hàng ngũ võ sư lão thành thì ngày càng suy giảm về sức khỏe theo dòng thời gian và tuổi tác!

Có lẽ đã đến lúc Vovinam phải tính đến hướng phát triển mới, bền vững và năng động, cải thiện các mối quan hệ vốn dĩ rạn nứt từ nhiều năm qua trong nội bộ môn phái, để chung tay xây dựng một môn phái đoàn kết mà Hội đồng Võ sư chưởng quản là trung tâm.

Nên chăng, trước khi quá muộn, Hội đồng Võ sư chưởng quản môn phái cần một bước chuẩn bị hoàn chỉnh để thực hiện kế hoạch tương lai lâu dài này.

Để có được một hệ thống chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất và chặt chẽ, Vovinam cũng cần tính đến việc cơ cấu một số thành viên đại diện từ các vùng miền, cũng như ở hải ngoại vẫn được xem là một “bộ phận không thể tách rời”, vào Hội đồng Võ sư chưởng quản.

Trước năm 1975,  Vovinam đã từng thực hiện hệ thống phân cấp quản lý,  có các Cục huấn luyện miền Trung, Cục huấn luyện miền Đông và Cục huấn luyện miền Tây, thì nay thay vào đó sẽ là các đại biểu của những vùng miền này nằm trong cơ cấu điều hành của môn phái. Như vậy vừa tận dụng nhân tài vừa có tiếng nói chung, vừa chia sẻ công việc để cùng nhau đắp xây một Vovinam bền vững. và nhất là tránh tình trạng cát cứ, thiếu sự kiểm soát của Hội đồng Võ sư chưởng quản, dẫn đến lạm dụng quyền hạn trong việc ban phát đẳng cấp mà không theo đúng trình tự quy định cho việc thăng cấp gây bức xúc trong dư luận.

Để ràng buộc vào trách nhiệm, ngoài một tinh thần phục vụ cao cả cho sự nghiệp phát triển môn phái, thì người gánh vác công việc cũng cần có quyền lợi về vật chất gắn liền với họ, như vậy vừa là động cơ thúc đẩy họ làm việc, vừa qua đó áp dụng biện pháp chế tài cũng sẽ dễ dàng hơn nếu họ không thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả.

Hơn 2 năm qua, kể từ khi nhận nhiệm vụ từ  Chưởng môn Lê Sáng, Hội đồng Võ sư chưởng quản hình như chưa để lại một dấu ấn rõ nét trong các hoạt động của mình. Có lẽ đã đến lúc cần nghiêm túc đánh giá và nhìn nhận thực tế những gì đã làm được và những gì chưa làm được để từng cá nhân tự thấy mà chọn cho mình một hướng đi, một hành xử đúng mực. Như vậy người trẻ và có năng lực sẽ không bị uổng phí, guồng máy lãnh đạo thì cải thiện được trước một sức ì đang không cưỡng nổi!

Thiết nghĩ cũng nên đề cập đến một số tuy không nhiều, các võ sư hiện đang hoạt động tại hải ngoại, cần lưu ý hơn về tôn chỉ của môn phái : (Hoạt động của môn phái không có tính cách chính trị và tôn giáo). Vì vậy nên đưa vấn đề chính trị ra ngoài việc thảo luận nhằm mục đích xây dựng môn phái. Có như thế thì việc tìm một tiếng nói chung sẽ dễ dàng hơn.

Hy vọng bước sang năm 2013, Hội đồng Võ sư chưởng quản sẽ tích cực đổi mới, phân công, phân nhiệm rõ ràng cũng như có chương trình hoạt động từng năm và cả những định hướng chiến lược bền vững và hòa hợp.

Bài trên nói về Chiến lược phát triển bền vững Vovinam, hy vọng bài viết này hữu ích đến với bạn. Chúc bạn thành công!

Theo vodaoquan.com

Leave a Comment

Your email address will not be published.