Cờ vây — May 19, 2016 at 2:30 pm

Tự sự của kỳ thủ cờ vây Việt Nam

by
5/5 - (1 vote)

Dưới đây là Tự sự của kỳ thủ cờ vây Việt Nam bạn có thể tham khảo qua.

Khi còn là sinh viên đại học kinh tế TP.HCM và cũng đang là kỳ thủ cờ vua của đội tuyểnTP.HCM, tôi luôn suy nghĩ ước gì có một môn cờ mà liên quan đến thế giới kinh doanh thì hay biết mấy. Thậm chí lúc đó trong quá trình chơi và dạy cờ vua tôi đã cố gắng hết sức gắn kết những ý tưởng, cách thắng trận của cờ vua vào trong kinh doanh, vào nền kinh tế vĩ mô nhưng vẫn thấy không thỏa mãn. Và tôi chỉ còn biết chờ đợi…

Và cơ hội đó đã đến, đó là vào năm 1991 trong quá trình học về kinh tế, tình cờ tôi có đọc một một cuốn sách có tựa đề là “Nước Nhật mua cả thế giới” của tác giả người Pháp Pierre-Antoine Donnet (NXB Thông tin). Cuốn sách đi vào phân tích các yếu tố nguyên nhân làm cho nước Nhật trở thành siêu cường kinh tế. Và tôi phát hiện một điều thật tuyệt là cuốn sách dành hẳn một chương để nói về cờ vây, những tác dụng to lớn của cờ vây trong việc rèn luyện tư duy và ứng xử của các nhà kinh doanh Nhật Bản. Điều tôi mong đợi từ lâu đã xuất hiện và ngay lập tức tôi bị mê hoặc. Ngay từ giây phút đó tôi đã cảm nhận rằng cờ vây chính là môn chơi dành cho tôi nhưng cũng không nghĩ rằng đó là cái “nghiệp” sau này. Vì lúc đó thì cờ vua đang trên đà phát triển và không có ai biết đến cờ vây và cũng chẳng có một tài liệu cờ vây hay một bộ cờ vây nào bán trên thị trướng, mạng internet thì chưa có. Vậy là tôi phài tiếp tục chơi cờ vua và chờ đợi…

Có lẽ tôi cũng chẳng cần phân tích gì nhiều mà sẽ trích dẫn toàn bộ chương sách này để các bạn đọc và cảm nhận cùng tôi.

nuoc-nhat

Chiến lược cờ vây

Có một trò chơi chiến lược thể hiện tuyệt vời triết lý kinh tế mà Nhật Bản thi hành trên quy mô toàn cầu: đó là môn cờ vây. Phức tạp và tinh tế hơn môn cờ vua nhiều, cờ vây là một môn cờ gốc Trung Quốc, với một bàn cờ có 19 đường ngang và 19 đường dọc cắt nhau ở 361 điểm. Quân cờ bên đen, bên trắng. Quy tắc chơi căn bản rất đơn giản. Chỉ cần học không tới một giờ, ai cũng có thể chơi cờ vây. Nhưng muốn chơi hay thì phải luyện nhiều năm, đôi khi cả đời người. Để thắng, phải chiếm được càng nhiều lãnh thổ càng tốt, nhiều hơn là địch thủ. Trong khi đánh, một lãnh thổ có thể trở thành bất khả xâm phạm với một số điều kiện, dù địch thủ có làm gì đi nữa. Nhưng lãnh thổ càng rộng thì lại càng khó bảo vệ chống lại sự tấn công của địch thủ, khó bảo đảm tính chất bất khả xâm phạm của nó. Một lãnh thổ bị rơi vào tay địch thủ thì được gọi là “đất chết”. Ngược lại, phần đất mà địch thủ không được xâm phạm nữa, được gọi là “đất sống”. Không có người nửa chiến thắng hay nửa chiến bại. Chỉ có sống hoặc chết, như trong chiến tranh. Một ván cờ có thể kéo dài trong nhiều giờ, với những tính toán phức tạp, cực kỳ căng thẳng. Nếu trình độ của hai đối thủ cách biệt quá xa, người chơi giỏi hơn sẽ chấp người kia ngay từ một đến chín quân cờ từ đầu ván.

Công và thủ

Kết thúc ván cờ, vinh dự thuộc về tay chơi cờ nào biết phối hợp nhịp nhàng công và thủ, mở rộng được vùng ảnh hưởng của mình trên bàn cờ và giảm ảnh hưởng của đối thủ. Thất bại thuộc về kẻ quá mạo hiểm, muốn thắng nhanh, phát hiện ra quá chậm sự tài tình của đối thủ và không còn cách gì để bảo vệ cuộc tấn công sơ hở của mình. Quá rụt rè sẽ thua, nhưng tham vọng quá lớn chắc chắn cũng sẽ thua. Bởi vì, trong cờ vây, nắm vững kỹ thuật là cần thiết nhưng chưa đủ. Ở đây không có vấn đề may mắn, cờ vây không phải là trò chơi may rủi. Chiến lược, chiến thuật luôn luôn kết nối chặt chẽ. Tâm lý và tính cách tự chủ cũng vậy.

Đầu ván cờ, điều then chốt cho giai đoạn tiếp theo là bạn phải đánh giá đúng địch thủ. Phải bắt mạch được những ý đồ thầm kín nhất của địch thủ. Địch thủ sốt ruột ? Muốn thắng nhanh ? Bạn hãy bình tĩnh và tự chủ. Địch thủ muốn tìm thắng lợi trước mắt và cục bộ ? Hãy để địch thủ chiếm một, hai khu vực mà địch thủ muốn giành cho bằng được. Hãy lợi dụng thời cơ ấy để tăng cường vị trí của bạn ở chỗ khác. Hãy chuẩn bị cho chiến thắng chung cuộc. Nhưng hãy coi chừng, nếu bạn đánh giá thấp địch thủ. Địch thủ thừa thông minh để giả vờ yếu thế và nhử cho bạn triển khai quân khắp nơi, để rồi phản công và tiêu diệt lãnh thổ của bạn mà bạn đành bó tay. Còn nếu bạn đánh giá địch thủ quá cao ? Dù địch thủ có thể chơi kém hơn bạn, nhưng lợi dụng sự khiêm nhường và rụt rè của bạn, địch thủ có thể đi những nước cờ táo bạo và thắng bạn.

Sau màn mở đầu ấy, vấn đề còn lại là sự dẻo dai và sự tập trung. Nếu tất cả tế bào thần kinh của bạn thống nhất trong một nỗ lực và nhắm cùng một đích thì bạn đã tập trung được mọi khả năng, và nếu thất bại, chẳng có gì phải hối tiếc. Nhưng nếu bạn không làm chủ được thần kinh, bị chia trí, hoảng hốt, nóng giận, hấp tấp, thì dù bạn có mạnh hơn địch thủ, địch thủ cũng có thể thắng. Bởi vì, trong môn cờ vây, khi hai đối thủ ngang sức, phải đến phút chót mới biết được ai thắng ai thua. Chỉ cần đi sai một nước cờ, chỉ cần một sự vụng về nhỏ là cũng đủ để làm sụp đổ cả một thế cờ công phu.

Một nghệ thuật sống

Ở Nhật, môn cờ vây không chỉ là một trò giải trí mà mang ý nghĩa hơn thế nhiều. Cũng giống như môn bắn cung, trà đạo hay cắm hoa, đó là một nghệ thuật sống, một triết lý. Nó cũng là biểu hiện sự khôn ngoan của nhân dân, một khuôn phép tinh thần, một sự rèn luyện trí tuệ, tinh thần. Mọi lứa tuổi đều chơi cờ vây. Nhưng nếu muốn trở thành một kỳ thủ giỏi mà qua 12 tuổi mới bắt đầu chơi là vô ích. Đã quá trễ để có thể tiếp thu đúng vô số các thế cờ hay. Người ta chơi cờ vây lúc nào cũng được. Một phút nghỉ xả hơi ở văn phòng cũng có thể bắt đầu một ván cờ, rồi chơi tiếp sau nữa. Được nghỉ một ngày ở một ngôi nhà trên núi hay bên một suối nước nóng ? Một ván cờ vây sẽ mang lại sự sảng khoái tinh thần. Cờ vây còn là biểu tượng của hoàn cảnh không ngừng đổi thay. Bởi vì, cùng với thời gian, các kỹ thuật chơi cờ cũng tiến triển. Tuổi già không biết đổi mới dừng lại và tuổi trẻ đầy sinh lực giành chiến thắng. Những bậc thầy cao cường phải nhường chỗ cho những chú ngựa non háu đá mà đôi khi chính các bậc thầy đã đào tạo.

Tôi nhớ lại những trận cờ tuyệt vời tại giải vô địch quốc tế nghiệp dư cờ vây được tổ chức ở Tokyo năm 1980. Tôi chỉ là một tay chơi cờ kém cỏi. Nhưng tôi cũng biết theo dõi và hiểu được những giây phút gay cấn của một ván cờ giữa hai cao thủ. Ở Trung Quốc, từ lâu người ta đã không còn chơi cờ vây. Nay giới trẻ lại bắt đầu môn cờ này với tất cả sự nóng nảy, đầy sức sống và sự hăng say của lớp người muốn có những đổi thay mạnh mẽ. Người già thì vui vẻ truyền lại kinh nghiệm cho lớp trẻ vì muốn thấy truyền thống được duy trì. Hôm ấy ở Tokyo có các đồ đệ khắp thế giới của môn cờ vây: Nam Triều Tiên, Mỹ, Pháp, Ba Lan… Danh sách còn dài. Ba thanh niên Trung Quốc so tài với ba bậc thầy tuổi tác đáng kính của Nhật. Người trẻ nhất trong đội cờ Bắc Kinh chưa tới 17 tuổi.

Giây phút chiến thắng của đội thật đáng nhớ. Xong ván cờ, cả ba chỉ hơi mỉm cười rồi từ từ đứng dậy khỏi ghế, cúi mình trước các đối thủ không may của họ, sau đó nhanh chóng rút lui, đầy vẻ khiêm tốn, gần như bối rối về việc đã hạ nhục những bậc thầy 70 tuổi hoặc hơn ! Trong khung cảnh như vậy, các cuộc gặp gỡ này không chỉ là một cuộc đấu trí hữu nghị: đó là sự đối đầu của hai quốc gia. Khi người ta biết được sự thù hận ở Trung Quốc đối với Nhật Bản hơn 45 năm sau khi chiến tranh Trung-Nhật kết thúc, thì người ta đoán được giá trị của việc thắng ván cờ vây. Tay cờ giỏi nhất Trung Quốc, Nie Weiping, đã trở thành một anh hùng dân tộc từ sau khi anh thường xuyên đánh bại các bậc thầy Nhật Bản.

Ván cờ vây toàn cầu

Bây giờ chúng ta hãy xét bản chất của chiến lược kinh tế Nhật Bản trên thế giới. Thật khó mà không nghĩ tới những nhà kinh doanh và những nhà quản lý Nhật đầy thế lực, nắm trong tay những nguồn tư bản quan trọng, âm thầm ngồi trước một quả địa cầu chỉ nhỏ bằng một bàn cờ vây. Một mình Nhật Bản đối lại với cả thế giới ! Một chấm trên quả cầu sáng lên: Nhật vừa siết cổ một lãnh thổ của địch; thêm một xí nghiệp kình địch phải đóng cửa. Một điểm khác lại sáng lên: lần này là một nhà máy Nhật vừa được khánh thành, một quân cờ nữa trong lãnh thổ của địch. Nhưng, cũng như trong môn cờ vây, phải kiên nhẫn, thận trọng, suy nghĩ kỹ. Trong cuộc chiến tranh kinh tế, hấp tấp là có thể chết.

Ván cờ thế giới gay go này đã bắt đầu gần nửa thế kỷ nay. Vẫn còn khó để nói ai sẽ thắng. Tương quan lực lượng luôn thay đổi. Hoàn cảnh cũng thế. Và lợi thế về bên nào thì chưa chắc. Nhưng rõ ràng là Nhật Bản bước vào trận chiến với nhiều bất lợi nhất, đã tỏ ra là một đối thủ thông minh, học rất nhanh. Mới đầu, họ thường do dự trước khi đặt những đồng tiền đầu tiên. Nhưng họ đã không phạm sai lầm lớn. Những bất lợi của họ từ lâu đã được san bằng. Và lâu nay Nhật đã dám đặt các quân cờ xa căn cứ địa của mình, ngay sát lãnh thổ địch thủ. Hơn thế, mới đây, họ còn tỏ ra khinh khi địch thủ ngay trong vùng ảnh hưởng của địch. Mới nhìn, dường như các vị trí của Nhật bị bao vây chặt. Nhưng nhìn kỹ hơn và tinh ý hơn sẽ thấy tình hình thực tế hoàn toàn khác. Chỉ cần Nhật tiếp tục chiến lược chinh phục thận trọng của mình và đối thủ của họ bối rối tiếp tục quên củng cố một số vị trí đặc biệt yếu, thì tất cả chắc chắn sẽ xoay chiều.

Giờ thì bạn đã sẵn sàng để bắt đầu với cờ vây chưa, hỡi những người trẻ? Dưới đây là Tự sự của kỳ thủ cờ vây Việt Nam, hy vọng bài viết cung cấp đủ kiến thức cho bạn.

theo thuvien-ebook.com

Xem thêm:  Cờ vây: Vứt bỏ và tập trung

 

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *