Thể thao & Cuộc sống — April 25, 2016 at 9:51 am

Những đứa con của thần gió…

by
Rate this post

Là một liên hoan quốc tế nhưng công tác chuẩn bị tại Nha Trang lại khá đơn giản: chỉ vài gian lán được dựng tạm gần sân bóng phía Đông sân bay Nha Trang cùng những dãy dây căng lên để bảo đảm khoảng cách an toàn giữa khán giả và bãi đáp của các VĐV. Theo danh sách ban đầu, gần 100  VĐV có mặt tại Nha Trang đều gồm toàn những VĐV nhảy dù hàng đầu thế giới. Cris, một anh chàng người Đức nhưng luôn nheo mắt cười khoái trá khi có ai đó nhận lầm anh là người Ý qua bộ râu trông rất “đểu” của mình, khẳng định một khi đã thử chơi những môn thể thao trên không thì người ta hầu như chỉ có 2 chọn lựa: bỏ luôn vì “ghê” quá hoặc gắn bó đến cùng vì quá “nghiện”. Nếu theo cách nhìn nhận của anh chàng vui tính này thì gần 100 VĐV có mặt ở đây đều thuộc loại nghiện nặng. Với họ, chỉ cần gió, nắng, biển cùng bãi biển là quá đủ để họ tung cánh. Và nhờ đó, đông đảo khán giả có mặt tại sát mép biển phía Đông sân bay Nha Trang mới được dịp thỏa thích chiêm ngưỡng những pha biểu diễn đẳng cấp hàng đầu thế giới.

Xét một mặt nào đó, cách VĐV nhảy dù và hạ cánh cũng thể hiện được tính cách của họ. Hai VĐV giàu thành tích nhất và cũng được khán giả yêu thích nhất là Omar Alhegelan (Mỹ, trên 15.000 lần nhảy) và Wendy Smith (New Zealand, trên 17.000 lần nhảy!) là điển hình. Nếu như bà Wendy được khán giả ngưỡng mộ bởi cách biểu diễn đầy kinh nghiệm, nhẹ nhàng cùng khuôn mặt luôn tươi tắn, thì chàng VĐV người Mỹ bằng những pha hạ cánh “không tưởng” kiểu lao cắm thẳng xuống đất hoặc đánh võng qua đầu khán giả mỗi lần đáp đất (landing), lại khiến đông đảo khán giả phải liên tục có những tràng pháo tay không ngớt.

Để tham dự liên hoan này, các VĐV đều phải tự túc 100% từ ăn nghỉ, tiền mua vé bay đến cả trang thiết bị bay. Những VĐV này đều từng đi qua hàng chục nước và đa số đều chỉ đến Việt Nam lần đầu. Trong lán nghỉ, có một nhóm gần 10 người Thái chuyên xếp dù cho các VĐV (với giá 6 USD/lần) và bán ba lô đựng dù cho VĐV (25 USD/túi). Nhưng đừng thấy những thành viên này hì hục ngồi chồm hổm, thậm chí bò lăn ra đất, để xếp dù sau mỗi lần bay mà coi thường: Sở dĩ họ nhận được sự tín nhiệm của các VĐV quốc tế đầy kinh nghiệm bởi đây đều là các thành viên trong lực lượng Không lực Hoàng gia Thái Lan (The Royal Thai Air Force). Và ông Saisak Sansook, trưởng nhóm, cũng luôn nhận được sự kính nể của mọi thành viên với thành tích gần 10.000 lần nhảy, cho dù tại Nha Trang ông chỉ làm mỗi nhiệm vụ là… đo tốc độ gió.

Dân chơi không sợ mưa rơi…
Dù rất máu mê với nghề nhưng các VĐV đều khẳng định môn chơi này rất tốn tiền, người chơi phải có điều kiện kinh tế lắm mới chơi được. Muốn chơi nhảy dù, người chơi phải bỏ ra một khoản tiền gọi là “phí nhập môn”, bao gồm: Một bộ quần áo, máy đo độ cao (1.000 USD); một bộ dù khoảng 7.000 USD, các lính mới có thể mua lại những bộ đồ “second-hand” khoảng nửa giá này; nón bảo hiểm… Do đặc thù phải lên cao mới chơi được nên ngoài dụng cụ thì tiền đi máy bay ở mỗi lần chơi cũng ngốn của người chơi một khoản chi khá lớn. Tùy theo mức độ phát triển của ngành hàng không từng nước mà giá thuê máy bay để chơi skydiving có khác nhau. Kevin, một skydiver (cách gọi người nhảy dù) người Mỹ, cho biết: “Mỗi đợt cuối tuần tôi thường cùng 120 hội viên trong CLB đi nhảy. Vé mỗi lần nhảy tại Alabama là 22 USD. Trung bình một đợt như thế tôi nhảy khoảng 3-5 lần, tốn xấp xỉ 100 USD. Nhưng như thế đã là rẻ rồi, vì ở nhiều quốc gia, giá vé lên máy bay có thể lên tới 30, 40 USD/lần”. Với người chơi nhảy dù, giá vé nhảy là một con số cực kỳ quan trọng, bởi một skydiver có thể nhảy đến trên 20 lần một ngày.
Thế nên mới có chuyện những VĐV nhảy dù của Nhật Bản dành dụm cả năm trời chỉ để sang Mỹ từ 1 đến 2 tuần nhảy cho đã rồi về. Theo lý giải của họ, nếu cộng hết lại thì tiền chênh lệch vé bay giữa Nhật và Mỹ cũng vừa bằng giá vé máy bay, song ở Mỹ có nhiều cảnh đẹp để nhảy hơn, trình độ VĐV cũng cao hơn.

Một VĐV thực hiện nhào lộn trên không
Một VĐV thực hiện nhào lộn trên không

Phải có sự tổng hợp của một chút máu mạo hiểm, một chút “khùng khùng” và trên hết là bản lĩnh, sự tỉnh táo, chính xác trong các hoạt động trên không thì bạn mới có thể trở thành những VĐV nhảy dù chuyên nghiệp. Trung bình, mỗi VĐV có khoảng 45 giây rơi từ 3-4.000m xuống 1.500m và có thêm gần 2 phút nữa để xuống độ cao 600m. Chính khoảng thời gian khoảng 2 phút rơi tự do ấy đã tạo ra những cảm giác rất mạnh cho VĐV. Lúc này, các VĐV có thể xếp đội hình tròn, hình tháp… Trên thế giới, không ít skydiver đã tận dụng thời gian này để biểu diễn những trò hết sức độc đáo như lướt ván trong không khí. Danh mục hoạt động khi bung dù cũng rất đa dạng với đủ kiểu nhảy đơn, nhảy đôi, nhảy đáp chính xác, nhảy đáp là là mặt nước, nhảy xếp hình tròn, hình tháp… Còn khoảng thời gian bung dù thì lại đem đến cho người chơi những cảm giác khác hẳn bởi những cú swooping (cú đảo người lao đi) cả trên không lẫn khi tiếp đất.

Những trang thiết bị và chi phí kể trên chỉ là phần… cơ bản, chưa ăn thua gì với những VĐV nhảy dù chuyên nghiệp như Wendy. Với một VĐV chuyên nghiệp, ngoài việc tận hưởng cảm giác mạnh, họ còn phải sống bằng chính nghề mình chơi. Wendy đã tự tay thiết kế một chiếc nón bảo hiểm cực kỳ thú vị khi trang bị tới 3 camera, gồm 1 máy ảnh Canon 20D (hoặc có thể thay bằng Canon 5D) và 2 máy quay phim kỹ thuật số. Nếu 2 chiếc máy quay kỹ thuật số luôn được bật sẵn trước khi bay thì việc sử dụng máy ảnh khó hơn một chút. Để giải quyết việc này, bà Wendy đã thiết kế một sợi dây nối nút chụp với miệng để khi cần, có thể chụp bằng… lưỡi! Với các máy ảnh có thể tháo ráp rời, chiếc nón bảo hiểm của bà Wendy nặng tới 5kg và tiêu tốn cả chục ngàn USD để mua trang thiết bị (bà có 3 cái như thế!). Bù lại, Wendy sẽ kiếm được tiền từ các bức ảnh và đoạn phim đã thực hiện được. Về mặt nào đấy, những người như Wendy, Cris… cũng là những nghệ sĩ và nhà kinh doanh trên không.

Cởi mở vì du lịch…
Skydiving nếu phát triển tốt sẽ là một môn thể thao cực kỳ hấp dẫn thu hút khách du lịch. Khác với nhảy dù tròn cần nhiều tháng huấn luyện, khi nhảy dù vuông, người chơi chỉ cần trải qua khóa huấn luyện ngắn gồm 5 giờ lý thuyết dưới đất để học cách xếp dù, các cơ chế hoạt động của dù, cách nhảy khỏi máy bay, cách rơi tự do, mở dù, bay bằng dù và hạ cánh an toàn. Sau mỗi khóa học với 9 mức học (tốn khoảng 20-25 USD ở New Zealand), học viên sẽ được bay thử trong sự kèm cặp của 2 HLV khác nhau để nhận chứng nhận A.F.F (Accerated Free Fall). Với một thuận lợi lớn như thế, việc chơi skydiving với ngay cả những người chưa biết gì cũng trở nên rất dễ dàng. Điều này có thể thu hút một lượng không nhỏ những du khách đi ngắn ngày. Ngoài ra, với điều kiện tự nhiên cực kỳ phong phú, Việt Nam hứa hẹn sẽ trở thành một điểm hẹn lý tưởng của giới skydiving quốc tế, nhất là khi phong trào skydiving tại châu Á chưa phát triển mấy.

Tuy nhiên, để khai thác tốt tiềm năng trên, chúng ta vẫn còn rất nhiều điều để làm, dù sự kiện tại Nha Trang vừa qua có vẻ là một dấu hiệu tích cực cho thấy Nhà nước và quân đội đã có cái nhìn “thoáng” hơn. Nếu muốn phát triển skydiving tại Việt Nam, điều cần thiết là chúng ta phải có một cơ chế, chính sách liên quan đến việc sử dụng bầu trời và máy bay cho nhiệm vụ du lịch. Chỉ khi giải quyết được vấn đề này thì các môn thể thao trên không mới phát triển được. Theo thông tin mới nhất, trong vài tháng tới sẽ lại có một Festival nhảy dù khác được tổ chức tại Vũng Tàu. Hy vọng đến khi đó thì những vấn đề như giá bay quá cao (theo lời một VĐV phàn nàn) sẽ có hướng tháo gỡ. Còn về lâu dài, việc thuê HLV nước ngoài về huấn luyện một lực lượng HDV skydiving tại Việt Nam cũng không phải là vấn đề quá khó, đặc biệt nếu nhìn vào hiệu quả kinh tế gắn liền với du lịch của nó.

Ông Nguyễn Hoài Nam, PCT thường trực CLB hàng không phía Nam:
“Tôi đánh giá cao đơn vị tổ chức”

“Trong thời đại mở cửa và phát triển như hiện nay, việc tổ chức được những sự kiện kết hợp thể thao – du lịch như thế này đã gây ấn tượng rất tốt cho tôi. Dù vẫn còn những hạn chế như thời gian giữa các lần nhảy quá dài khiến chương trình bị loãng, nhưng tôi vẫn đánh giá cao đơn vị tổ chức vì họ đã làm được phần khó nhất để định hướng phong trào sau này.

Qua trao đổi, tôi biết các VĐV nhảy dù còn bày tỏ ý muốn thuê những chiếc máy bay vận tải quân sự để có thể đưa 50 người bay lên độ cao 5.000-7.000m. Yêu cầu này máy bay vận tải của chúng ta có thể chở tốt. Theo tôi, BTC một chương trình nhạy cảm như nhảy dù cần có sự phối hợp đồng bộ hơn giữa người Việt Nam và nước ngoài khi tham gia tổ chức.

Leave a Comment

Your email address will not be published.