Da nổi mảng đó, bong vảy trắng sau khi thất tình
Nam thanh niên 19 tuổi đến Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) thăm khám trong tình trạng xuất hiện rất nhiều mảng đỏ trên da, bong vảy khô màu trắng.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, tình trạng này bắt đầu xuất hiện từ cách đây một tháng. Khởi điểm, các mảng đỏ xuất hiện trên đầu, sau đó lan dần xuống vùng tỳ đè: đầu gối, khủyu tay, vùng cùng cụt sau đó lan rộng toàn thân.
“Bệnh nhân này mắc bệnh vảy nến và bùng phát toàn cơ thể rất mạnh”, bác sĩ Đào Hữu Ghi, Trưởng Khoa Điều trị bệnh da nam giới, người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân nhận định.
Theo BS Ghi, vảy nến là một bệnh da mạn tính. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, căn nguyên của bệnh vảy nến có liên quan đến đột biến gen.Tuy nhiên bệnh không phải lúc nào cũng biểu hiện mà nó cần có một yếu tố khởi động.
“Có nhiều nguyên nhân được xem là điều kiện thuận lợi để vảy nến bùng phát. Có thể kể đến như yếu tố nhiễm trùng (bùng phát sau những đợt viêm nhiễm); điều kiện môi trường; các yếu tố kích thích như dùng quá nhiều rượu, bia; các yếu tố thần kinh – tâm thần (stress trong cuộc sống)”, BS Ghi nói.
Qua khai thác, thanh niên trẻ này chia sẻ rằng, cách thời điểm bùng phát vảy nến không lâu, cậu đã chia tay bạn gái và luôn trong tình trạng ủ rũ, chán nản.
“Sau khi loại trừ các yếu tố khác, việc tâm lý bất ổn sau khi chia tay được chúng tôi xác định là yếu tố khởi động khiến bệnh vảy nến bùng phát ở thanh niên này”, BS Ghi cho biết.
Nhiều trường hợp bùng phát vảy nến do stress
Theo BS Ghi, trường hợp của thanh niên 19 tuổi kể trên không phải là hy hữu. Trên thực tế, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiếp nhận rất đông bệnh nhân bị bùng phát vảy nến do yếu tố tâm thần – thần kinh.
“Từ thời kinh tế thị trường phát triển, chúng tôi nhận thấy các trường hợp bùng phát vảy nến do yếu tố tâm lý nhiều hơn trước. Nguyên nhân thường gặp nhất là do các stress trong gia đình như: người thân qua đời, vợ chồng xích mích hoặc các áp lực về kinh tế”, BS Ghi phân tích.
Nhìn chung, các bệnh nhân vảy nến sẽ được điều tại chỗ các vấn đề như mảng sừng bong vảy bằng cách dưỡng ẩm. Tùy theo mức độ bệnh mà đưa ra các phương pháp điều trị như dùng thuốc ức chế miễn dịch, chiếu UV, thuốc chế phẩm sinh học.
Ngoài ra, cần phải dựa vào yếu tố đã làm bùng phát bệnh vảy nến mà có phương pháp điều trị riêng cho từng bệnh nhân. Trong trường hợp do yếu tố tâm thần – thần kinh, thì phải điều trị cho tâm lý bệnh nhân ổn định, cởi bỏ lo lắng để cắt yếu tố thuận lợi này đi. Khi không còn các điều kiện thuận lợi, bệnh vảy nến sẽ nhanh khỏi hơn và ổn định được trong thời gian dài.
BS Ghi nhấn mạnh: “Vảy nến là bệnh mạn tính, hiện nay trên thế giới vẫn chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Mục tiêu chính của các phương pháp điều trị là kiểm soát tình trạng bệnh, ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biến chứng. Sau khi điều trị ổn định, nếu có các yếu tố thuận lợi thì bệnh vẫn có thể bùng phát trở lại”
Trưởng khoa Điều trị bệnh da nam giới khuyến cáo, khi xuất hiện các vấn đề bất thường về da liễu, cần đi khám sớm, tránh để lâu có thể khiến tình trạng nặng hơn, phát sinh nhiều biến chứng.
Nếu đã xác định được có bệnh vảy nến do yếu tố tâm lý, người bệnh cần giữ tinh thần thoải mái, giảm tải các yếu tố stress, để tránh bệnh bùng phát trở lại cũng như diễn biến nặng hơn.